(HNM) - 100 ngày qua, thế giới chao đảo khi dịch Covid-19 trở thành thảm họa toàn cầu khiến hơn 1,5 triệu người bị nhiễm bệnh, gần 100.000 trường hợp tử vong. Nhìn lại chặng đường đã qua, các chuyên gia cho rằng 100 ngày tiếp theo mới thực sự là cuộc chiến cam go. Vi rút SARS-CoV-2 có thể tấn công bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước có nền y tế phát triển hiện đại. Vì thế ngay từ bây giờ, ngoài sự quyết liệt của chính phủ các nước, người dân cần chủ động phòng tránh, nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội. Thậm chí, phải nghi ngờ với tất cả những người mà mình tiếp xúc ngoài cộng đồng...
Đúng ngày 1-1-2020, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về những trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp "lạ" ở thành phố Vũ Hán. Ngày đầu năm mới, chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố này, nơi được cho là khởi nguồn của loại "vi rút không tên" đã đóng cửa. Một tuần sau, Trung Quốc xác nhận căn bệnh là do chủng mới của vi rút corona và ghi nhận ca tử vong đầu tiên.
Chỉ trong ít ngày, Covid-19 đã bám theo các chuyến bay, du thuyền... “vượt biên” sang hàng trăm quốc gia. Vi rút SARS-CoV-2 gây ra trường hợp tử vong đầu tiên - ngoài Trung Quốc - vào đầu tháng 2 tại Manila (Philippines), sau đó tấn công vào thành phố Daegu (Hàn Quốc), gây ra sự hoảng loạn đối với châu Á. Tiếp đến, Covid-19 tạo ra cơn địa chấn ở châu Âu, lục địa được coi là có nền y tế phát triển bậc nhất thế giới.
Ngày 9-3, Italia thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc khiến đất nước Hình chiếc ủng rơi vào những ngày tăm tối nhất. Sự chủ quan trong công tác phòng dịch của một số nước ở lục địa già đã dẫn tới hệ quả đáng buồn, khi số ca nhiễm mới tăng lên với cấp số nhân. Diễn biến phức tạp của Covid-19 buộc WHO ngày 11-3 phải tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu. Từ đó, thế giới liên tiếp chứng kiến những con số buồn, từ số ca lây nhiễm đến số lượng người tử vong. Trong đó, nước Mỹ ngày 13-3 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tung ra gói hỗ trợ kinh tế lên tới 50 tỷ USD.
Kể từ khi có đại dịch Covid-19, đời sống xã hội, nền kinh tế của hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ rơi vào vòng xoáy chao đảo. Hàng loạt chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường tiêu dùng bị phá hủy khiến các nền kinh tế đối mặt với tình trạng suy thoái. Ngay sau khi được thông báo về các ca bệnh đầu tiên, WHO nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết, nổi bật là việc hỗ trợ các nước xây dựng năng lực ứng phó; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác và tư vấn về phòng, chống dịch; cung cấp các thiết bị y tế thiết yếu cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Bên cạnh nỗ lực ở cấp độ toàn cầu, mỗi quốc gia tùy theo điều kiện thực tế cũng có những phương án chống dịch đặc thù, trong đó nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ sự quyết liệt trong triển khai các biện pháp cách ly xã hội, thành phố Vũ Hán ngày 8-4 chính thức được dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, cũng ngay trong ngày 8-4, Trung Quốc lại quyết định phong tỏa thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang khi tại đây ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trở về từ Nga. Lệnh được ban bố, 70 nghìn người dân tại đây đều phải ở trong nhà. Các gia đình chỉ được cử 1 người ra ngoài để mua nhu yếu phẩm cho 3 ngày. Trung Quốc cũng ngay lập tức đóng cửa biên giới trên bộ với Nga và nhanh chóng xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu vực. Các chuyên gia y tế cho rằng, biện pháp mạnh mà Trung Quốc áp dụng với thành phố Tuy Phân Hà chính là việc tận dụng "giờ vàng" để khống chế dịch bệnh lây lan.
Tương tự, thành phố Daegu của Hàn Quốc cũng có thời kỳ rơi vào khủng hoảng nhưng vẫn duy trì được sự ổn định xã hội nhờ đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, kiên quyết khoanh vùng và cách ly các ca lây nhiễm. Với Việt Nam, dù trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, song vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về khả năng kiểm soát dịch bệnh nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.
Như nhận định của WHO, 100 ngày tiếp theo sẽ là một cuộc chiến mới không kém phần cam go, đòi hỏi sự tập trung, ý thức tự giác của bất cứ người dân ở quốc gia nào. Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ không có chỗ cho sự lơ là, chủ quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.