(HNMO) - Chiều 4-11 (giờ Việt Nam), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã khai mạc Hội nghị One Global Việt Nam (tạm dịch: Một Việt Nam toàn cầu) tại Thủ đô Paris (Pháp) với khẩu hiệu "Talent. Innovation. Sustainability" (Tài năng, sáng tạo, bền vững).
Trước xu thế toàn cầu hóa không ngừng gia tăng cùng những biến động liên tục về đột phá khoa học, vấn đề môi trường... đặc biệt là sự tái định hình lại mô hình kinh tế của thế giới và Việt Nam trong 2 năm trở lại đây do đại dịch Covid-19, Hội nghị One Global Việt Nam kỳ vọng sẽ mang đến nhiều góc nhìn đa chiều, những giải pháp mang tính chiến lược và hành động cụ thể để đồng hành với sự phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Diễn ra trong 2 ngày dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, One Global Việt Nam mong muốn góp một phần sức lực để chung xây tay dựng một Việt Nam kết nối toàn cầu, không bị giới hạn về địa lý, một Việt Nam vững mạnh trong thế giới phẳng, nơi người Việt Nam ở bất cứ đâu cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau. Trên tất cả, đó là một Việt Nam sẵn sàng hướng ra thế giới, sẵn sàng góp sức nhận trách nhiệm để giải quyết các vấn đề chung của nhân loại như biến đổi khí hậu, cách mạng khoa học - công nghệ... và điển hình là đại dịch Covid-19.
Ngoài các diễn giả chính, hội nghị sẽ là nơi quy tụ sự tham gia của 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế tiêu biểu hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Các khách mời góp mặt tại sự kiện đều là đại diện cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu hàng đầu, các tổ chức trực thuộc chính phủ và tổ chức phi chính phủ uy tín.
Có thể kể đến Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin (Pháp) - người được xếp vào danh sách 100 bác sĩ chuyên khoa hô hấp hàng đầu thế giới theo Expertscape; Tiến sĩ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức; Giáo sư Martin Fransman, tác giả cuốn sách "Innovation ecosystems - Increasing competitiveness" (Đổi mới hệ sinh thái - Tăng khả năng cạnh tranh), Nhà Xuất bản Đại học Cambridge & Đại học Edinburgh (Anh); Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Nhất Linh, cán bộ y tế tại Chương trình Lao toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (Thụy Sĩ); ông Don Lam, Sáng lập và là Tổng Giám đốc Quỹ VinaCapital; cùng nhiều chuyên gia và tri thức khác.
4 nhóm chủ đề được các nhà khoa học và chuyên gia trao đổi gồm: Kết nối tương lai: "Bình thường mới" tầm nhìn 2025: Thách thức lớn hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho phát triển; Kết nối đối tác: Xây dựng quan hệ đối tác thành công trong bối cảnh thế giới phức tạp và khó lường; Kết nối đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy đổi mới trở thành động lực thiết yếu cho tăng trưởng và bền vững; Kết nối nhân tài: Thúc đẩy đổi mới trở thành động lực thiết yếu cho tăng trưởng và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.