Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2022

Thùy Dương| 01/01/2023 07:16

(HNM) - Năm 2022 thế giới đã đẩy lùi đại dịch Covid-19 với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, giúp phần lớn các nước quay lại với cuộc sống "bình thường mới". Bên cạnh các sự kiện quan trọng, như: Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XX, Mỹ diễn ra bầu cử giữa kỳ, dân số toàn cầu chạm mốc 8 tỷ người..., thế giới năm qua cũng chứng kiến nhiều đau thương, mất mát, khủng hoảng, từ xung đột Nga - Ukraine đến khủng hoảng năng lượng đẩy lạm phát "phi mã" ở nhiều quốc gia…

1. Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine

Ngày 24-2-2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Xung đột nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại, đẩy quan hệ Nga - phương Tây vào vòng xoáy đối đầu mới. Xung đột kéo dài đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và vật chất đối với cả đôi bên, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine còn gây ra những tác động dài hạn đến tương lai quan hệ quốc tế.

2. Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XX

Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 đến 22-10-2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đại hội thông qua sửa đổi Điều lệ Đảng, đồng thời xác định nhiệm vụ chiến lược trong 5 năm tới và xa hơn nữa, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu "100 năm thứ hai" xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt vào năm 2049.

3. Biến động liên tiếp trên chính trường Anh

Ngày 7-7-2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức. Đến ngày 20-10-2022, bà Liz Truss, người được bầu thay thế ông B.Johnson, cũng từ chức sau 45 ngày tại vị, trở thành Thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Ngày 25-10-2022, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị Thủ tướng Anh trong hơn 200 năm. Ngày 8-9-2022, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì. Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Nhà vua Charles III.

4. Thảm kịch giẫm đạp tại Hàn Quốc và Indonesia

Ít nhất 158 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng khi hàng chục nghìn người tham gia lễ hội Halloween tại khu phố Itaewon ở Seoul (Hàn Quốc) tối 29-10-2022. Trong khi đó hơn 130 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ giẫm đạp và xô xát xảy ra tối 1-10-2022 tại Sân vận động Kanjuruhan ở Malang (Indonesia). Hai thảm họa liên tiếp trong vòng một tháng dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các sự kiện tập trung đông người sau đại dịch Covid-19.

5. Nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất

Ngày 16-3-2022, lần đầu tiên trong hơn 3 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Trong năm 2022, FED đã 7 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%. Ngày 21-7-2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm và sau đó tăng thêm 3 lần nữa trong năm. Việc FED, ECB và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và giữ thị trường tài chính ổn định đã làm cho một số nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái.

6. Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất chưa từng có

Triều Tiên đã tiến hành hơn 30 đợt thử tên lửa vào năm 2022, nhiều nhất từ trước đến nay trong một năm. Thông qua việc phóng tên lửa với số lượng nhiều kỷ lục, Triều Tiên được cho là muốn phát thông điệp phô diễn sức mạnh quân sự, đồng thời tăng sức ép với Mỹ và đồng minh. Mỹ và các đồng minh phản ứng bằng các cuộc tập trận quy mô lớn. Hoạt động quân sự của các bên khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề. Các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau và đàm phán rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài.

7. Thế giới dần hồi phục sau đại dịch Covid-19

Ba năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển tình thế của đại dịch và dần quay trở lại nhịp sống “bình thường mới”. Nhiều quốc gia đã bãi bỏ lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và các biện pháp liên quan mà họ đã áp đặt kể từ khi dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới vào đầu năm 2020. Đây là kết quả của những thành tựu phát triển về vắc xin, các phương pháp điều trị giảm nguy cơ tử vong do Covid-19, miễn dịch cộng đồng sau khi nhiễm vi rút. Tuy nhiên, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn còn hiện hữu, điều đó đòi hỏi mỗi người cần nâng cao nhận thức trong phòng, ngừa.

8. Mỹ bầu cử giữa kỳ

Người dân Mỹ, ngày 8-11-2022, đi bỏ phiếu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng hàng loạt quan chức địa phương. Cuộc bầu cử giữa kỳ này có thể định đoạt cục diện chính trường và chính sách tương lai của Mỹ trong hai năm tiếp theo dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trước thềm cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa được cho là sẽ giành thắng lợi áp đảo trước đảng Dân chủ, khi người Mỹ phải vật lộn với lạm phát tồi tệ do tác động từ xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, kết quả lại đi ngược dự đoán, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện với cách biệt mong manh, trong khi đảng Dân chủ củng cố quyền kiểm soát tại Thượng viện với 51 ghế. Kiểm soát được Hạ viện, đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để tác động đến chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden, cũng như có thể mở các cuộc điều tra liên quan đến chính quyền và gia đình ông chủ Nhà Trắng.

9. Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Ngày 15-11-2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của nhân loại khi dân số toàn cầu chính thức đạt 8 tỷ người. Sự tăng trưởng này đánh dấu những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y tế, tạo nguồn lực to lớn, nguồn cung lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp tầm liên chính phủ: Đó là áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu; tình trạng già hóa dân số và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu - nghèo gia tăng; ô nhiễm môi trường, cạn kiệt hệ sinh thái.

10. Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lương thực

Xung đột Nga - Ukraine từ cuối tháng 2-2022 đã đẩy giá năng lượng, lương thực thế giới tăng vọt. Ngày 7-3-2022, giá khí đốt tăng gần 5 lần so với thời điểm trước xung đột. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 3 tăng lên mức cao mới là 159,3 điểm. Các biện pháp trừng phạt - đáp trả giữa Mỹ, châu Âu và Nga đã khiến nguồn cung dầu khí sụt giảm và giá tăng mạnh. Căng thẳng địa chính trị và thiên tai đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2022

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.