(HNMO) - Ngày 4-1-2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa Đoàn Thị Dáng (sinh năm 1974; trú ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) ra xét xử sơ thẩm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, vào tháng 11-2020, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) đã xử phạt Đoàn Thị Dáng 30 tháng tù cũng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng truy tố, khoảng năm 2010, Đoàn Thị Dáng và anh Ngô Xuân B (sinh năm 1973; ở huyện Đông Anh, Hà Nội) quen biết rồi có quan hệ tình cảm. Năm 2011, thông qua mối quan hệ xã hội, Dáng quen chị Lê Thị C (sinh năm 1973, vợ anh B). Kết thân với vợ của nhân tình, Dáng giới thiệu mình tên là Hằng. Về phần mình, chị C không hề biết về mối quan hệ giữa Dáng và anh B.
Đến đầu năm 2013, vợ chồng chị C, anh B xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, anh B gửi đơn ly hôn đến Tòa án nhân dân huyện Đông Anh và có tâm sự với Dáng chuyện vợ chồng đang lục đục, mâu thuẫn.
Do cần tiền chi tiêu cá nhân, Dáng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ nhân tình. Bị cáo nói dối chị C rằng mình có cháu tên Hoài, làm cán bộ Tòa án nhân dân huyện Đông Anh, có thể giúp chị C sau khi ly hôn sẽ được chia nhiều tài sản hơn chồng. Ngoài ra, Dáng còn bịa chuyện có quen biết cán bộ địa chính, có thể mua được cho chị C đất thuộc dự án đấu thầu, giúp chị C làm "sổ đỏ" cho 2 thửa đất của chị.
Để tạo lòng tin, Dáng mua một sim điện thoại, giả là số điện thoại của Hoài và nhắn tin yêu cầu chị C đưa tiền. Bằng thủ đoạn trên, Đoàn Thị Dáng đã thực hiện 3 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của chị C 680 triệu đồng.
Cụ thể, từ tháng 4 đến 5-2014, chị C đã đưa cho Dáng 150 triệu đồng để nhờ bị cáo giải quyết chuyện ly hôn. Sau khi đưa tiền cho bị cáo, chờ quá lâu không thấy tòa giải quyết chuyện ly hôn, chị C thắc mắc thì Dáng đã trả lại cho nạn nhân 100 triệu đồng tiền mặt, với lý do: “Đây là tiền người phụ nữ có quan hệ bất chính với anh B bồi thường tuổi thanh xuân cho chị”.
Đến tháng 8-2014, sau thời gian chờ đợi quá lâu vẫn không thấy tòa giải quyết chuyện ly hôn, chị C đã đến Toà án nhân dân huyện Đông Anh để tìm cán bộ tòa án tên Hoài. Lúc này, chị C mới biết mình bị Dáng lừa đảo.
Kết quả điều tra cho thấy, chị C còn đưa tiền nhờ bị cáo mua đất và làm "sổ đỏ", để rồi tiếp tục bị lừa. Kết quả xác minh tại Tòa án nhân dân huyện Đông Anh cho thấy, có một cán bộ tên Phạm Thu Hoài, nhưng cán bộ này không quen ai tên Lê Thị C hoặc Đoàn Thị Dáng và cũng không tiếp nhận giải quyết hồ sơ ly hôn nào liên quan đến người tên Lê Thị C.
Trong khi ấy, từ tháng 7-2013, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh nhiều lần nhận đơn khởi kiện ly hôn và sau đó là đơn xin rút đơn ly hôn của anh Ngô Xuân B. Toà án nhân dân huyện Đông Anh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Quá trình tiến hành tố tụng, không nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân liên quan đến hoạt động công vụ; đồng thời, cũng không có cá nhân, tổ chức nào tác động, can thiệp hoạt động xét xử liên quan đến vụ án hôn nhân trên.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức chức năng nhận thấy 2 mắt của Dáng có biểu hiện không nhìn thấy gì, nên đã cho đi khám bệnh tại bệnh viện. Kết quả xác định, 2 mắt của người đàn bà này mất chức năng, sẹo giác mạc toàn bộ. Mắt của Đoàn Thị Dáng được coi là mù, không có khả năng khôi phục.
Nhưng xét thấy, việc ảnh hưởng sức khỏe trên không liên quan quá trình phạm tội của bị cáo, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đoàn Thị Dáng mức án 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.