(HNMO) - Nhiều loài động vật đã tuyệt chủng hoàn toàn từ nhiều năm trước do nạn săn bắt trái phép và hoạt động khai thác đến mức tận diệt của con người.
Bồ câu viễn khách. Ảnh: Getty Images |
Số lượng bồ câu viễn khách giảm mạnh sau khi người châu Âu đặt chân đến Bắc Mỹ, bắt đầu hoạt động săn bắt phục vụ ngành công nghiệp thịt giá rẻ, với số lượng bị giết hại lên đến hàng chục triệu con mỗi năm.
Năm 1901 là lần cuối cùng bồ câu viễn khách được phát hiện trong môi trường tự nhiên. Martha, cá thể cuối cùng của loài này được nuôi dưỡng tại sở thú Cincinnati (bang Ohio, Mỹ), đã chết hồi tháng 9-1914.
Chim Dodo. Ảnh: Getty Images |
Dodo là một trong những loài chim nổi tiếng nhất từng được biết đến, đã bị xóa sổ hoàn toàn chỉ trong vài thập kỷ. Đây là loài chim không biết bay đặc hữu của Cộng hòa Mauritius (đảo quốc nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương), lần đầu được trông thấy bởi một thủy thủ Hà Lan năm 1598 và lần cuối cùng là năm 1662.
Dù từng xuất hiện với số lượng lớn suốt thế kỷ 17, hiện còn rất ít bằng chứng cho thấy sự tồn tại của Dodo, thậm chí tại các viện bảo tàng lớn. Mẫu đầy đủ nhất của loài chim này thuộc sở hữu của John Tradescant, sau đó được trao tặng cho bảo tàng Ashmolean (Oxford, Anh).
Tê giác đen Tây Phi. Ảnh: Getty Images |
Tê giác đen Tây Phi là loài phụ của tê giác đen từng tung hoành khắp vùng Châu phi hạ Sahara nhưng số lượng giảm mạnh do nạn săn bắn trộm. Năm 1980 còn hàng trăm cá thể, giảm xuống 10 vào năm 2000 và chỉ còn 5 con 1 năm sau đó. Các khảo sát năm 2006 thất bại trong phát hiện thêm bất kỳ cá thể nào và tê giác đen Tây Phi được tuyên bố tuyệt chủng năm 2011.
Dê rừng Pyrenees. Ảnh: Extinctanimals |
Dê rừng Pyrenees là loài phụ của dê rừng Tây Ban Nha có số lượng sụt giảm nhanh chóng trong thế kỷ 19, 20 với nguyên nhân chưa rõ và được xác định tuyệt chủng từ năm 2000. Năm 2003, giới khoa học từng nỗ lực cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng khi nhân bản thành công một con dê cái. Tuy nhiên, cá thể này đã chết không lâu sau khi chào đời, khiến dê rừng Pyrenees lần thứ hai tuyệt chủng.
Ngựa Quagga. Ảnh: Internet |
Ngựa Quagga là phân loài của ngựa vằn đồng bằng từng sinh sống tại Nam Phi với điểm nổi bật là các vằn sọc chỉ có ở nửa thân trên. Số lượng loài ngựa này giảm nhanh chóng cũng do nạn săn bắn trái phép, tuyệt chủng năm 1878 và cá thể cuối cùng trong điều kiện nuôi nhốt đã chết năm 1883 tại Amsterdam (Hà Lan).
Hổ Tasmania. Ảnh: discoverthetarkine |
Hổ Tasmania là loài thú ăn thịt có túi hoạt động về đêm, bề ngoài gần giống với chó, đã biến mất trên đại lục Australia trước khi được tìm thấy ở bang Tasmania. Tuy nhiên, nạn săn bắn trộm, bệnh dịch và sự xuất hiện chó nhà cùng con người đã khiến loài này tuyệt chủng. Cá thể cuối cùng đã chết tại sở thú Hobart năm 1936.
Bò biển Steller. Ảnh: BBC |
Bò biển Steller từng tồn tại ở Kỷ nguyên Holocen (còn gọi là Kỷ nguyên loài người), sinh sống chủ yếu tại phía Bắc Thái Bình Dương nhưng đã tuyệt chủng năm 1768 vì nạn săn bắt, chỉ 27 năm sau khi những người châu Âu khám phá ra. Đây là loài động vật có vú ăn thực vật có thể đạt chiều dài 9 m, sở hữu lớp da trông như vỏ cây sồi, chân trước không có móng guốc hoặc ngón. Mẫu xương sọ hoàn chỉnh của bò biển Steller hiện được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Helsinki.
Voi ma mút lông xoăn. Ảnh: Plugon |
Voi ma mút lông xoăn sinh sống cùng thời với người tiền sử tại những khu vực lạnh giá của châu Á và Bắc Mỹ. Xương và ngà của chúng thường được sử dụng làm các loại dụng cụ và nhà ở. Loài voi này còn được biết tên với tên gọi voi lãnh nguyên, có thể đạt chiều cao hơn 3m, nặng tới 6 tấn. Một số quần thể voi này sinh tồn tại đảo St Paul ngoài khơi Alaska tới 5.600 năm trước và đảo Wrangel thuộc Bắc Băng Dương tới 4.000 năm trước.
Chim Anka lớn. Ảnh: Internet |
Chim Anka lớn thuộc chi Pinguinus sinh sống tại Đại Tây Dương, không có khả năng bay, di chuyển khó khăn trên mặt đất nhưng giỏi bơi lặn. Sự tuyệt chủng của loài chim này từ năm 1852 là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho hành động tận diệt của loài người để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Rùa đảo Pinta. Ảnh: Yahoo |
Rùa đảo Pinta là phân loài của rùa Galapagos - loài đặc hữu của quần đảo cùng tên được tin là đã tuyệt chủng. Cá thể cuối cùng của loài rùa này là Lonesome George đã chết năm 2012. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Yale cho thấy đảo Isabela lớn nhất quần đảo Galapagos và đảo san hô Aldabra ở Ấn Độ Dương có thể vẫn tồn tại một số cá thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.