Chuyện đó đây

Gấu trúc “tuyệt chủng” tại Mỹ sau 50 năm

Hoàng Linh 28/09/2023 - 10:35

Các vườn thú Mỹ sẽ không còn chú gấu trúc nào sau nửa thế kỷ, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh suy giảm nghiêm trọng.

panda_1.jpg
Khách tham quan thích thú với chú gấu trúc Mei Xiang tại Vườn thú quốc gia Washington DC.

Theo The Straits Times (Singapore), người dân xứ cờ hoa lâu nay vẫn quen thuộc với hình ảnh gấu trúc ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong Vườn thú quốc gia Washington DC. Áo phông, mũ tài xế… tràn ngập hình ảnh loài vật biểu tượng của Trung Quốc. Thậm chí, người dân Mỹ cũng rất thích thú với kênh phát sóng trực tiếp 24/7 về cuộc sống của những chú gấu trúc trong vườn thú.

Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, gấu trúc sẽ "tuyệt chủng" tại quốc gia này, 3 con gấu trúc của Vườn thú quốc gia Washington DC sẽ trở về Trung Quốc vào tháng 12, sau khi thỏa thuận 3 năm với cơ quan động vật hoang dã của Trung Quốc hết hạn. Ba vườn thú khác của Mỹ có gấu trúc là Atlanta, San Diego và Memphis đều đã hoặc sẽ chuyển gấu trúc trở về Trung Quốc trong thời gian tới.

Sự biến mất của những con gấu trúc cuối cùng trên đất Mỹ diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống mức thấp lịch sử, với hầu hết các kênh hợp tác đều đã bị cắt đứt.

Thực tế, các sở thú của Mỹ không có toàn quyền nuôi gấu trúc. Thay vào đó, họ phải thuê chúng và trả các khoản chi phí hằng năm cho Trung Quốc. Đây là một phần trong chính sách chung của Trung Quốc liên quan đến loài động vật này.

Trung Quốc từ lâu đã sử dụng "ngoại giao gấu trúc" một cách khéo léo. Năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc, phu nhân Tổng thống đã tới tham quan Sở thú Bắc Kinh và bày tỏ ấn tượng trước những con gấu trúc. Vài tuần sau, cặp gấu trúc Ling-Ling và Hsing-Hsing được Bắc Kinh chuyển tới Vườn thú quốc gia Washington DC.

Trong những năm sau đó, Trung Quốc đã tặng 23 con gấu trúc cho 9 quốc gia, nhằm thể hiện tình hữu nghị, thiện chí và nỗ lực tăng cường quan hệ. Đến năm 1982, Bắc Kinh chấm dứt chính sách tặng gấu trúc do sự khan hiếm của loài này và nhu cầu bảo vệ động vật tốt hơn.

Thay vào đó, gấu trúc được cho thuê theo các điều khoản nghiên cứu hợp tác với một số quốc gia và khu vực. Năm 2018, Trung Quốc cũng cho Phần Lan mượn gấu trúc để đánh dấu một trăm năm độc lập. Tới nay, đã có khoảng 20 nước đang thuê mượn 60 gấu trúc Trung Quốc, trong đó Mỹ nhiều nhất với 11 con, đứng thứ hai là Nhật Bản với 9 con.

Sự nổi tiếng của gấu trúc là một trong những động lực khiến nhiều quốc gia thuê chúng, bất chấp chi phí cao. Các sở thú được cho là phải chi khoảng 1 triệu USD mỗi năm để thuê một con gấu trúc từ Trung Quốc, chưa bao gồm các khoản bổ sung như chuồng gấu trúc, chăm sóc y tế và tre trúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gấu trúc “tuyệt chủng” tại Mỹ sau 50 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.