(HNM) - Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của nước ta năm 2009 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, có 59% trong số 9.890 doanh nghiệp (DN) dân doanh cho biết, phải trả thêm các khoản phí không chính thức cho cán bộ địa phương, trong đó 9% DN phải trích tới 10% thu nhập cho các loại chi phí này.
Doanh nghiệp tìm hiểu quy trình cấp phép xây dựng tại bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng. Ảnh: Linh Tâm
Để công việc đạt hiệu quả, nhiều DN đã phải dành một khoản tiêu cực phí để "bôi trơn" cho quá trình hoạt động. Trong đó 59% DN thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, với mức phổ biến là 10% thu nhập; 52% DN cho rằng, cán bộ cấp tỉnh sử dụng các quy định riêng với mục đích trục lợi, tăng so với 37% của hai năm 2007-2008. Như vậy, quy định của địa phương càng kém minh bạch, càng có lỗ hổng cho những cán bộ tắc trách trục lợi. Ngoài ra, 53% DN cho biết phải trả "hoa hồng" khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về nạn nhũng nhiễu đang trở nên phức tạp trong môi trường kinh doanh ở nước ta. Theo nhóm nghiên cứu PCI, một số cán bộ trên thực tế đã dành ưu ái cho các nhà thầu trả "hoa hồng" cao hơn, thay vì chọn những nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng cao nhất. Khi các khoản "hoa hồng" quyết định việc lựa chọn nhà thầu, lợi ích tổng thể của xã hội sẽ bị tổn thất, do lãng phí nguồn lực cho các dịch vụ kém chất lượng. Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng năm qua, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ các dự án là do thủ tục. Có những dự án phải qua 65 thủ tục, mặc dù khá nhiều trong số đó được đánh giá là không cần thiết. Tính trung bình, mỗi thủ tục mất 15 ngày, với 65 thủ tục một dự án mất khoảng 3 năm. Đó là chưa kể những khoản chi được rải suốt các khâu trên hành trình đó cho "thông đồng bén giọt". Không DN nào muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, vì nếu đi "cửa chính" sẽ mắc vào cảnh "một cửa" nhưng "nhiều khóa" của hệ thống hành chính. Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, thực trạng này chỉ có thể giảm chứ không thể loại trừ được yếu tố "bôi trơn". PCI năm 2009 đã thể hiện rõ điều đó, khi có đến 61,6% số DN được hỏi thừa nhận, phải có mối quan hệ với cán bộ cấp tỉnh mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển hạ tầng...; 41% DN thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương mới làm ăn suôn sẻ... Tính đến hết năm 2009, cả nước có khoảng 460.000 DN, trong đó có đến 95% là DN nhỏ và vừa, nếu nhìn vào mức độ phát triển, cũng như mức đóng góp chung vào GDP, xuất khẩu, đầu tư, tạo việc làm... thì khu vực kinh tế tư nhân vượt trội nhất. Những năm qua, khu vực này đã tạo khoảng 3,5 triệu việc làm mới, trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tạo ra được 1,4 triệu việc làm; còn DN nhà nước giảm biên chế 500.000 lao động. Song, trên thực tế họ vẫn phải đối mặt với hàng loạt "rào cản" từ phía các cơ quan quản lý.
Khi được tiếp cận đầy đủ thông tin về những thay đổi chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch sử đụng đất của các tỉnh, các DN sẽ dự báo tốt hơn về triển vọng đầu tư của họ trong tương lai. DN sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nếu thấy yên tâm về triển vọng kinh doanh dài hạn. Theo các chuyên gia, nếu tính minh bạch của cấp tỉnh tăng thêm 1 điểm, thì cứ 1.000 dân sẽ có thêm 13 DN đăng ký hoạt động và DN có thể tăng lợi nhuận thêm 62 triệu đồng. Như vậy, sự minh bạch của bộ máy hành chính sẽ kích thích thu hút đầu tư hiệu quả hơn, DN cũng được lợi và kinh tế địa phương phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.