Giảm gánh nặng chi trả viện phí khi người tham gia không may bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị là lợi ích thấy rõ nhất của bảo hiểm y tế. Càng nhiều người tham gia chính sách này, thì yêu thương càng nhân lên, nỗi đau được chia sẻ.
Do đó, trong tháng cao điểm thực hiện bảo hiểm y tế (tháng 7-2023), các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp giúp người dân sử dụng tấm thẻ “vàng” vì sức khỏe cộng đồng đạt hiệu quả cao hơn.
Điều kỳ diệu sau những tấm thẻ
Trong cuộc sống, mỗi người cần có điểm tựa an sinh nhất vào thời điểm không may bị ốm đau, bệnh tật và những năm tháng tuổi già. Tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng có hạn (thường dưới 1 triệu đồng/người/năm), mức hưởng không giới hạn về số tiền, độ tuổi là cách để mỗi người trang bị tấm thẻ an sinh cho bản thân.
Thế nên, đến tháng 7 năm nay, khoảng 92% dân số ở nước ta đã có tên trên hệ thống an sinh thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế. Phía sau mỗi tấm thẻ là những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, chia sẻ khi có nhiều người bước qua lằn ranh sinh, tử nhờ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn viện phí với số tiền rất lớn, giúp bệnh nhân có thể điều trị lâu dài…
Theo danh sách công bố mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nước ta có nhiều ca bệnh đặc biệt nặng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị từ hơn 1 tỷ đồng đến hơn 4 tỷ đồng/năm, giúp họ dần ổn định sức khỏe, nối dài sự sống.
Còn tại Hà Nội, số lượng bệnh nhân bảo hiểm y tế thụ hưởng số tiền khám, chữa bệnh cao đứng đầu cả nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố ghi nhận hàng trăm bệnh nhân được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả số tiền từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Có thể kể đến bệnh nhân N.T. P, trú tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình) mắc cùng lúc nhiều loại bệnh nặng, thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, được chi trả xấp xỉ 1 tỷ đồng. Trường hợp khác là bệnh nhân N.N.Đ, trú tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) cũng mắc nhiều bệnh, phải điều trị tại nhiều bệnh viện, được thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế với số tiền hơn 540 triệu đồng...
“Điều kỳ diệu của bảo hiểm y tế là sự chia sẻ rủi ro, chia sẻ nỗi đau giữa số đông người dân với người bệnh, nhất là những ca bệnh nặng. Do đó, tham gia bảo hiểm y tế là cách để mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, mà không phụ thuộc vào khả năng tài chính của bản thân, gia đình”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Phát huy hiệu quả tấm thẻ “vàng“
Từ những lợi ích thiết thân, bảo hiểm y tế được ví như tấm thẻ “vàng” vì sức khỏe cộng đồng. Để người dân sử dụng tấm thẻ “vàng” hiệu quả, dịp này, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, hiện nay, danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán có 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm cùng hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế. Đáng chú ý, danh mục thuốc bảo hiểm y tế có cả thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm, tim mạch… với giá rất cao. Ngoài ra, bệnh nhân bảo hiểm y tế có thể sử dụng hơn 9.000 dịch vụ, vật tư y tế, trong đó có những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, đặt máy tạo nhịp tim…
Nhờ hệ thống dịch vụ tiện ích và thông suốt, đa số bệnh nhân yên tâm, hài lòng khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào một ngày đầu tháng 7-2023, bà Nguyễn Thị Hà Thanh cho hay: “Tôi được các y, bác sĩ chỉ dẫn nhiệt tình, khám bệnh cẩn thận, tư vấn kỹ lưỡng. Những loại thuốc cần cho việc điều trị được bệnh viện cấp đầy đủ”.
Giải pháp quan trọng khác được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai là quản lý tốt nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, chi quỹ đúng đối tượng, tình trạng bệnh tật, thời gian cần điều trị, qua đó góp phần bảo đảm sự công bằng và sự chia sẻ thực chất giữa các trường hợp tham gia chính sách.
Tại Công văn số 2079/BHXH-CSYT vừa ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám định, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Nếu phát hiện đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, các bên xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Tại các tỉnh, thành phố, những giải pháp nêu trên được các lực lượng chức năng phối hợp triển khai quyết liệt. Chẳng hạn tại Hà Nội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Phan Văn Mến cho biết, các cơ quan chức năng thành phố luôn theo dõi sát tình hình sử dụng quỹ khám, chữa bệnh tại từng cơ sở y tế; phân tích rõ thông tin, dữ liệu khám, chữa bệnh để phát hiện, xử lý sớm những hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ thanh toán đầy đủ, kịp thời với các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng, kiên quyết từ chối thanh toán với các trường hợp không đúng, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm...
Với nhiều giải pháp được triển khai, tập trung cao điểm vào tháng 7-2023, tính nhân văn, chia sẻ của chính sách bảo hiểm y tế ngày càng được nhân lên, người thụ hưởng ngày càng mở rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.