(HNM) - Có đôi lần ngang qua con phố Trương Định đông đúc, tấm biển nhỏ màu xanh khiêm nhường giữa vô vàn sắc màu quảng cáo ở ngõ 167 lọt vào mắt tôi
Một chút ngạc nhiên, một chút tò mò, cũng đã có lần tôi dừng xe, định rẽ vào con ngõ nhỏ ấy nhưng rồi lại ngần ngại quay đi… Cho đến một ngày giữa tháng sáu, Hà Nội nắng như đổ lửa, được một người bạn rủ đến đây tham dự lễ cầu siêu "độc nhất vô nhị", tôi mới biết, đằng sau tấm biển nhỏ kia là cả một câu chuyện không kém phần thú vị…
Một góc nghĩa trang chó mèo của ông Nguyễn Bảo Sinh. |
"Tề đồng vật ngã - Vật và người bình đẳng"
Không cách xa mặt phố Trương Định ồn ào là mấy nhưng khi bước qua cánh cổng xây mô phỏng hình ảnh một cửa ô, tôi bắt gặp một không gian khác hẳn: Thoáng mát, tĩnh lặng và hơi ảm đạm hệt như khi ta bước vào các khu nghĩa trang. Nhưng đây lại là một nghĩa trang đặc biệt, chỉ dành riêng cho chó mèo, những con vật cưng đã một thời gắn bó thân thiết với một gia đình nào đó. Là khu yên nghỉ của chó mèo nên "mộ tổ" cũng là mộ của một chú chó tên gọi Ami - người bạn thân thiết, trung thành của ông chủ nghĩa trang lạ lùng này, ông Nguyễn Bảo Sinh. Ami là con vật được chôn cất đầu tiên tại đây sau 12 năm gắn bó với gia đình ông. Ngay phía trên ngôi mộ hoành tráng của Ami, ông khắc bốn chữ lớn "Tề đồng vật ngã" như để nói lên triết lý sống của mình và một phần nào đó, lý giải vì sao ông lại tâm huyết xây dựng nên khu nghĩa trang lạ lùng này.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng nghĩa trang, ông tuần tự giới thiệu đâu là đài hóa thân hoàn vũ chỉ dùng củi để đốt, chỗ kia là khu mộ đã cải táng sau 3 năm và khu vực rộng rãi nhất là các hộc tường chứa lọ đựng tro cốt của các con vật sau khi hỏa táng. Không dễ đếm nhưng tôi nhẩm tính có xấp xỉ cả nghìn con chó, mèo đang được "yên nghỉ" tại đây. Phía sau một hồ nước nhỏ là những ngôi mộ chó mèo được xếp bằng đá ong có cả bia mộ in hình con vật, tên, năm sinh, năm mất, trước mỗi mộ đều có một bát hương nhỏ. Tôi đọc được nhiều cái tên ngộ nghĩnh, đáng yêu như Lyly, Bông, Mr Bin, Lu… và di ảnh những chú chó, chú mèo vô cùng dễ thương.
Ông Sinh bảo, ban đầu cũng chỉ vì tình yêu với con chó Ami trung thành, tinh khôn nên ông đã dành hẳn một góc vườn để xây dựng mộ chí, khu tưởng niệm cho nó. Sau đó nhiều người quen, bạn bè đến chơi thấy vậy cũng xin được gửi gắm những con vật thân thiết của mình lúc chúng về già hoặc ốm đau mà chết. Giờ thì ông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu làm dịch vụ của bất kỳ ai có lòng với thú cưng của mình khi chúng lìa đời. Đám tang các con vật được tổ chức có hoa quả, hương nến, cờ quạt… với đầy đủ các nghi lễ. Trước khi chôn cất hay hỏa táng, con vật sẽ được ông làm "lễ cầu siêu" với mong muốn linh hồn sẽ được siêu thoát, không phải lang thang khổ sở ở chốn trần gian. Sau đó, chủ và khách còn phải chờ giờ tốt để đưa chó, mèo đi chôn cất. Tất cả những con vật ở nghĩa trang này sau khi chết đều được cúng bái như con người, lễ cúng có hương hoa và cả món ăn mà khi sống chúng yêu thích. Hằng ngày, sẽ có người quét dọn, lau chùi bát hương. Những ngày mùng một hoặc ngày rằm, các phần mộ này đều được nhân viên nghĩa trang chuẩn bị hương hoa chu đáo.
Lý giải về những việc làm theo nhiều người là có phần lạ lùng này, ông Sinh trầm ngâm: "Triết lý nhà Phật cũng như nhiều nhà tư tưởng của cả phương Đông và phương Tây đều nói về sự bình đẳng giữa con người với con vật. Cùng sống chung trên một hành tinh nên việc con người đối xử tàn tệ với loài vật là không thể chấp nhận được. Và tôi có niềm tin rằng, những người nào yêu thương loài vật, yêu thương chó mèo thì chắc chắn rằng họ sẽ có một tâm hồn đẹp. Những ngày trông coi nghĩa trang này, tôi đã gặp nhiều người, già có, trẻ có, họ đều thương tiếc con vật mình nuôi như một người thân trong gia đình, lúc sống đã yêu thương, lúc chết cũng rơi nước mắt, chăm lo nơi yên nghỉ chu đáo mà không nỡ thả xác chúng xuống sông hay bỏ vào thùng rác. Các bậc cha mẹ hãy dạy cho con cái mình tình yêu với loài vật bởi nếu đã yêu thương loài vật, đứa trẻ sau này lớn lên sẽ không bao giờ tàn bạo với con người".
Một lĩnh vực kinh doanh hợp thời?
Trên thế giới, việc yêu thương chăm sóc thú nuôi và an táng khi chúng qua đời không phải là việc làm quá mới mẻ, nhất là ở các nước phương Tây. Điển hình như ở Pháp, thống kê chưa đầy đủ cũng đã có đến 25 khu nghĩa trang dành cho chó mèo, chủ yếu do các cá nhân xây dựng, quản lý. Việc hỏa táng vật nuôi cũng diễn ra phổ biến và được nhiều người ủng hộ vì trước hết nó hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường khi xác súc vật chết bị vứt tràn lan ra sông hồ. Cùng với đó, một ngành nghề làm ăn khá phát đạt là chế biến thức ăn, đồ dùng, quần áo cho chó mèo, dịch vụ chăm sóc, chữa bệnh cho thú nuôi…
Tại Việt Nam, đã có nhiều gia đình đang nuôi những con vật quý như chó ngao Tây Tạng, bulldog Anh, Pháp, chó Phú Quốc, chó đốm… nên việc chăm sóc chúng không chỉ dừng lại ở khâu cho ăn ngon, nằm phòng điều hòa hay tắm rửa sạch sẽ. Tùy điều kiện gia chủ, chúng cũng được đáp ứng những nhu cầu làm đẹp, vui chơi, giải trí… như con người. Tại Hà Nội, từ lâu đã hình thành nên các trung tâm chuyên chăm sóc chó mèo tại tuyến phố Trường Chinh, Nam Ngư hay phòng khám thú y ở Ba Đình, Trúc Khê… Theo lý giải của những bạn trẻ ở Hội những người yêu chó mèo - một trang mạng thu hút được khá nhiều thành viên tham gia - thì tình yêu với loài vật ngày càng được các thế hệ trẻ hưởng ứng, một phần cũng vì mỗi gia đình hiện nay ít thành viên, thậm chí có nhiều bạn trẻ sống độc thân nên mỗi con chó, con mèo họ nuôi thực sự là những người bạn thân thiết. Cuộc sống khá giả nên họ có nhu cầu đa dạng trong việc chăm sóc cho thú cưng của mình.
Vì vậy, trong con mắt của những người kinh doanh, mô hình nghĩa trang kết hợp với khách sạn dành riêng cho chó mèo mà ông Nguyễn Bảo Sinh đang làm là rất "hợp thời", chắc chắn sẽ là một ngành nghề phát đạt, ăn nên làm ra. Hiện trong ngôi nhà 6 tầng rộng rãi, ông Sinh dành hẳn tầng trên cùng làm siêu thị chuyên bày bán các sản phẩm phục vụ cho thú cưng. Đó là thức ăn, nhà đệm, lồng xách, quần áo, trang sức, dầu gội, sữa tắm, giày dép, bánh kẹo… trong đó có cả những chiếc bánh thưởng hình khúc xương, hình chiếc giày dành cho các chú cún nghịch ngợm, chiếc cột cho những chú mèo mới lớn cào móng vuốt… Thậm chí chúng còn có riêng những đồ chơi Noel hay đồ trang trí đêm Trung thu rất ngộ nghĩnh. Tất cả đều là sản phẩm nhập khẩu nên giá thành không hề rẻ. Một chiếc áo lông mùa đông cho chú cún nhỏ cũng có giá gần trăm nghìn đồng; một túi bánh thưởng hay các loại dây xích hay đai cũng không dưới 50.000 đồng. Tầng hai và tầng ba của ngôi nhà là các phòng VIP được trang bị hiện đại, các con vật vào đây được chăm sóc, làm đẹp đến tận... răng, tất nhiên với cái giá không phải chủ nhân nào cũng chịu được. Ngoài ra, ông Sinh còn dành hẳn một khu nhận trông giữ những con vật mà chủ của chúng vì đi công tác hoặc đau ốm không chăm sóc được… Ông cũng có đội ngũ bác sĩ thú y sẵn sàng tư vấn cho khách cách chăm sóc, điều trị, thậm chí là cách chiều chuộng thú cưng…
Có thể với nhiều người, việc dành cả nghìn mét vuông đất thời "tấc đất, tấc vàng" ngay giữa trung tâm Thủ đô để xây nghĩa trang, khách sạn cho chó mèo là việc làm lạ lùng, thậm chí hơi "dị" nhưng với Nguyễn Bảo Sinh, ông quan niệm đó là một cái nghiệp, một mối duyên của ông với những loài vật yêu quý. Cho đến hôm nay, địa điểm này đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của rất nhiều người yêu chó mèo, đem đến cho xã hội một cái nhìn khác về những con vật nuôi. Và triết lý sống "Tề đồng vật ngã, yêu loài vật để biết yêu thương con người" của ông cũng đã được nhiều người chia sẻ, đồng cảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.