Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu “gốc”, gãy “ngọn”

Trung Anh| 03/10/2011 07:06

(HNM) - Những vụ việc liên quan đến một số vị lãnh đạo cao nhất của ngành dược không chỉ cho thấy những vấn đề trong công tác sử dụng cán bộ mà còn chỉ ra yếu kém của một ngành công nghiệp nhỏ bé nhưng đầy tiềm năng ở đất nước hơn 80 triệu dân.


"Gốc" - sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu và 90% nguyên liệu dùng cho sản xuất trong nước là nhập khẩu sẽ nuôi dưỡng những cái "ngọn" là cơ chế quản lý lòng vòng, thiếu minh bạch, nặng yếu tố xin - cho. Đó chính là "mảnh đất" màu mỡ để những tiêu cực nảy sinh và những vụ việc vừa qua chỉ là một vài ví dụ.

Quan tâm phát triển sản xuất thuốc trong nước sẽ giảm bớt sự chi phối của thuốc ngoại cũng như việc đầu cơ của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu...Ảnh: Phương An


Nhanh giàu nhưng chậm phát triển

Các báo cáo phân tích ngành dược mà các công ty chứng khoán đưa ra đều có chung một nhận định: Công nghiệp Dược Việt Nam là ngành công nghiệp hội tụ nhiều tiềm năng tăng trưởng và trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2014, ngành này có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 16-17%/năm. Đây là một tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê của Cục Quản lý dược, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng đạt trên 1,9 triệu USD trong năm 2010, tăng gần 13% so với năm 2009; tốc độ tăng trưởng giá trị tiền thuốc sử dụng tăng bình quân trên 18% trong 5 năm 2006-2010. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2010 đạt 22,25 USD, tăng 2,48 USD so với năm 2009 và tăng 16,85 USD so với năm 2000. Con số mà các nhà đầu tư vào lĩnh vực này dự báo là giá trị tiền thuốc sử dụng sẽ đạt gần 3,4 triệu USD vào năm 2015 với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14,5%.

Một vài con số trên đã cho thấy, nhu cầu sử dụng thuốc, một mặt hàng thiết yếu của người dân đã tăng trong những năm qua và sẽ không ngừng lại trong thời gian tới. Đây là một thị trường kinh doanh màu mỡ nhưng trong thị trường đó, cuộc cạnh tranh không dành cho các công ty sản xuất trong nước. Dù đã được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Công nghiệp Dược Việt Nam chỉ được xếp ở cấp độ 2,5 đến 3 trong thang phân loại (cấp độ 1 là hoàn toàn nhập khẩu; 2 là sản xuất được một số generic, đa số phải nhập khẩu; 3 là có công nghiệp dược nội địa sản xuất generic và xuất khẩu được một số dược phẩm; 4 là sản xuất được nguyên liệu và phát minh thuốc mới) vì 90% nguyên liệu sản xuất trong nước vẫn phải nhập ngoại, cơ cấu sản xuất thuốc nội địa vẫn tập trung vào thuốc generic. Theo hồ sơ tại Bộ Y tế, trong số 20 nghìn số đăng ký còn hiệu lực thì thuốc ngoại chiếm 1/2 với khoảng 1.000 hoạt chất, thuốc nội cũng có từng ấy số đăng ký nhưng chỉ với 500 hoạt chất. Trong khi thuốc ngoại chủ yếu là thuốc kháng sinh, kháng viêm; thuốc điều trị đặc hiệu thì thuốc nội chỉ quanh quẩn hạ nhiệt, giảm đau, vitamin, thuốc bổ. Trên thị trường hiện có tới 260 tên thuốc trên cùng một hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau; 223 tên thuốc là vitamin, thuốc bổ, bởi đây là những loại thuốc không đòi hỏi công nghệ sản xuất cao song lại mang lại lợi nhuận cao.

Giọt nước tràn ly?

Quá nhiều thuốc thông thường trong khi thuốc chuyên khoa, đặc trị gần như chưa có khiến cho thị trường tân dược nước ta bỏ ngỏ cửa cho sản phẩm của các công ty nước ngoài tràn vào. Điều này không chỉ khiến người bệnh phải dùng thuốc giá cao, luôn phải chấp nhận chịu tăng giá vì thuốc là loại hàng hóa không mặc cả khi mua mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp làm giàu và điều kiện để tiêu cực nảy sinh trong việc xin nhập khẩu, phân phối thuốc.

Theo Tổng cục Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2011, nước ta đã nhập khẩu 1.105 triệu USD thuốc chữa bệnh, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Con số này năm 2010 là 1.257 triệu USD, tăng gần 15% so với năm trước đó. Bởi giống như thực phẩm, thuốc là một mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu ngày càng tăng, trong khi sản xuất trong nước yếu kém nên số doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam đã tăng từ 300 doanh nghiệp năm 2007 lên 500 doanh nghiệp năm 2010. Thuốc ngoại vẫn chiếm ưu thế và là nguồn cung chủ yếu cho thị trường thuốc trong nước khiến cho việc cấp giấy phép nhập khẩu, nhập chuyến... trở thành một đặc quyền cho cơ quan và những người được giao trách nhiệm quản lý hoạt động này. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh dược phẩm với tăng trưởng doanh thu đạt 20% và lợi nhuận trung bình năm 2010 đạt 11% đã khiến các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có được giấy phép, kể cả việc phải chấp nhận tiêu cực.

Vụ việc 8 doanh nghiệp dược tố cáo người đứng đầu Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ưu ái cho một số công ty trong việc cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép nhập chuyến, cấp số đăng ký lưu hành thuốc hay cho phép gia công thuốc chỉ như một giọt nước tràn ly. Sự việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Sóng trước chưa qua, sóng sau ập tới. Trong khi một số thông tin có liên quan tới một vị thứ trưởng Bộ Y tế đang được làm rõ, thì lại có tiếp những vấn đề tố cáo có dính dáng tới người đứng đầu Cục Quản lý dược. Sự thật thế nào, hồi sau sẽ rõ. Nhưng một vấn đề hiển hiện là việc quản lý nhập khẩu tân dược hiện nay còn quá nhiều bất cập. Khi họ, những người làm công tác quản lý được xem như những "ông vua", quyết định sự "mở ra", "đóng vào" của cánh cửa mà sản phẩm dược nhập khẩu không thể không qua thì các tiêu cực rất dễ nảy sinh nếu tâm không sáng, các quyết định không minh bạch. Nên nhớ rằng ở đây mỗi chữ ký đều có thể mang lại lợi nhuận không nhỏ cho từng doanh nghiệp. Nói cách khác là khi cơ chế xin - cho còn tồn tại thì công tác quản lý nhà nước khó mà chặt chẽ, minh bạch. Và như vậy, sự lòng vòng cùng những khoản "bôi trơn", "tiêu cực phí" đều được cộng vào giá thành tân dược, hậu quả là không kiểm soát được thị trường, người sử dụng phải gánh chịu giá thuốc ở… trên trời. Thế nên nói yếu "gốc", gãy "ngọn" là lẽ đương nhiên. Và khi tìm ra được bệnh thì ắt sẽ có thuốc để chữa căn bệnh đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu “gốc”, gãy “ngọn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.