(HNM) - Chiều 26-2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước Trịnh Đình Dũng đã thị sát, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp xử lý vết nứt trên thân trụ T22 cầu Vĩnh Tuy.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Sở GTVT, chủ đầu tư công trình cầu Vĩnh Tuy tập trung đánh giá nguyên nhân, theo dõi diễn biến vết nứt, từ đó đưa ra kết luận theo hướng công trình có bảo đảm an toàn không? Vết nứt có ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cầu hay không? Ngoài trụ T22, phải kiểm tra toàn tuyến, tất cả các trụ, hệ thống chịu lực, với phương châm bảo đảm an toàn là mục tiêu số một.
Trước đó, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị tư vấn thiết kế cầu Vĩnh Tuy đã có văn bản số 613/TEDI-CLH gửi Sở GTVT Hà Nội phúc đáp việc xác định nguyên nhân và hướng xử lý đối với vết nứt tại trụ T22 cầu Vĩnh Tuy.
Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI cho rằng: Từ kết quả kiểm tra hiện trường kết hợp với rà soát hồ sơ bản vẽ và bản tính, vết nứt trên thân trụ T22 mang tính cá biệt trong khi các trụ có cấu tạo và điều kiện chịu lực tương đồng không xuất hiện, hoặc có nhưng vết nứt nhỏ. Đặc điểm của vết nứt không phản ánh kết cấu bị hư hỏng do điều kiện làm việc của kết cấu; cụ thể, vết nứt nằm ở tim và chạy dọc theo thân trụ lên phía trên. Vị trí và đặc điểm của vết nứt ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ trong điều kiện cốt thép ở vị trí vết nứt không bị hư hỏng.
Qua thông tin nhận được từ đơn vị quản lý cầu, thân trụ T22 đã xuất hiện vết nứt từ tháng 3-2010, nhưng từ năm 2012 đến nay không phát triển nữa. Tư vấn nhận định vết nứt này không phải do điều kiện chịu lực mà khả năng trong quá trình thi công thân trụ, bị ảnh hưởng bởi một hay tổ hợp những yếu tố bất lợi như: Độ ẩm, nhiệt độ môi trường, độ sụt lựa chọn của bê tông, bảo dưỡng sau khi đổ bê tông đã tác động tới quá trình thủy hóa bê tông làm hình thành vết nứt ngay trong khi bê tông đang ninh kết. Sau đó, trong quá trình khai thác, do ảnh hưởng của co ngót, vết nứt đã hình thành trước đó tiếp tục phát triển. Sau một thời gian khai thác, ảnh hưởng của co ngót giảm dần, vì vậy từ năm 2012 đến nay vết nứt không phát triển thêm nữa.
Cũng tại văn bản này, TEDI kiến nghị các cơ quan chức năng có phương án tiếp tục theo dõi diễn biến của vết nứt sau khi được khắc phục để có biện pháp xử lý kịp thời. Để bảo đảm tính khách quan, Sở GTVT Hà Nội có thể chỉ định một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng của vết nứt và đề xuất phương án xử lý hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.