Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý thức chấp hành luật có chuyển biến

Ngân Hạ - Bảo Hân| 21/05/2010 06:56

Hà Nội: Xử lý 920 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 270 triệu đồng * TP Hồ Chí Minh: Hơn 1.800 trường hợp vi phạm, phạt tại chỗ 1.080 vụ, tạm giữ hơn 30 xe (HNM) - Ngay từ 6h30 sáng 20-5, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ CSGT Thủ đô đã cùng xuống đường làm nhiệm vụ với một tâm thế mới, bởi đây là ngày đầu tiên áp dụng nâng cao mức xử phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP. Nhiều người tham gia giao thông trong sáng qua cũng ý thức hơn trong chấp hành các quy định về TTATGT…

* Hà Nội: Xử lý 920 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 270 triệu đồng
* TP Hồ Chí Minh: Hơn 1.800 trường hợp vi phạm, phạt tại chỗ 1.080 vụ, tạm giữ hơn 30 xe

(HNM) - Ngay từ 6h30 sáng 20-5, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ CSGT Thủ đô đã cùng xuống đường làm nhiệm vụ với một tâm thế mới, bởi đây là ngày đầu tiên áp dụng nâng cao mức xử phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP. Nhiều người tham gia giao thông trong sáng qua cũng ý thức hơn trong chấp hành các quy định về TTATGT…

Cảnh sát giao thông (Đội 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra người điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông trong ngày đầu ra quân. Ảnh: Bá Hoạt


Những trường hợp vi phạm đầu tiên bị xử phạt
Khoảng 6h30, trường hợp vi phạm đầu tiên trong ngày 20-5 tại nút giao thông ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu là của lái xe taxi BKS 30L-7062. Theo Trung tá Bùi Văn Kha, Đội CSGT số 1, lỗi vi phạm của lái xe Phạm Văn Dũng (SN 1982, ở Nam Định) sẽ được áp dụng theo Nghị định mới, xử phạt gấp đôi về hành vi đi sai làn đường, không chấp hành ngay hiệu lệnh của CSGT, tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Cùng thời điểm trên, tại nút giao thông Quán Sứ - Hai Bà Trưng, tổ công tác Đội CSGT số 1 đã xử lý hai trường hợp khá hy hữu của lái xe Trần Tuấn Anh (SN 1985, trú tại Phúc Tân, Hoàn Kiếm) khi lái xe này dừng xe sai quy định trên phố và ngủ quên vì đưa vợ đi đẻ tại Viện C gây ách tắc giao thông. Trường hợp thứ 2, lái xe Nguyễn Đình Phương (SN 1970, ở Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ) đi ngược chiều. Nhưng vì đúng thời điểm trên, tuyến đường Quán Sứ chuẩn bị vào giờ cao điểm nên CSGT buộc phải tạm giữ giấy tờ của lái xe Phương, giải quyết sau để tránh gây ùn tắc.

Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội CSGT số 1 cho biết: "Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Giám đốc CATP kiên quyết xử lý nghiêm minh, phạt nặng chính là tạo sự chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông, ngày đầu tiên đối với những trường hợp có thể áp dụng chế tài xử lý theo nghị định như lái xe ô tô không cài dây bảo hiểm, đi sai làn đường… sẽ xử phạt thật nghiêm. Còn lại với những trường hợp vi phạm khác chưa áp dụng xử phạt, lực lượng CSGT sẽ tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao ý thức người dân khi tham giao thông".
Trung tá Đinh Thanh Thảo cũng cho biết thêm, tại một số điểm sang đường, Sở GTVT vẫn chưa kẻ lại vạch sơn cho người đi bộ và phân làn xe nên CSGT không có căn cứ để xử phạt. Thực tế, nhiều trường hợp lái xe đi sai làn đường, vì thiếu vạch sơn nên CSGT chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Đây cũng là một trong nhiều khó khăn của lực lượng chức năng khi xử lý.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3, địa bàn đội phụ trách hiện có nhiều công trình đào đường như trên phố Tôn Đức Thắng, theo quy định đơn vị thi công trong đêm đến 6h phải hoàn trả mặt phố sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng trên thực tế, vào sáng 20-5 và nhiều sáng trước đó, đơn vị thi công này mãi đến 7-8h vẫn còn tập kết phương tiện và máy móc trên đường phố. Đội CSGT số 3 và TTGT quận Đống Đa đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chống đối chỉ là cá biệt

Sáng 20-5, tất cả các địa phương trong cả nước đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo ghi nhận trong ngày đầu nghị định có hiệu lực, các lỗi vi phạm đều giảm so với những ngày trước đó. Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt Bộ CA nhận định, ngày đầu Nghị định 34/NĐ-CP đi vào cuộc sống có nhiều dấu hiệu đáng mừng từ ý thức của người tham gia giao thông.

Có thể thấy, những hoạt động tuyên truyền của các cơ quan chức năng và CATP trên những phương tiện thông tin đại chúng cũng đã giúp người dân nắm bắt được những điểm mới và thực hiện NĐ 34 một cách rất chủ động. Anh Trịnh Văn Hùng, cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: "Sáng đến cơ quan ở 59 Quán Sứ, tôi ngạc nhiên khi trước cổng cơ quan hiện tượng xe ô tô dừng, đỗ đã không còn, vỉa hè cũng thông quang hơn. Điều này cho thấy việc nâng mức xử phạt đã có hiệu quả nhất định khi đã làm chuyển biến và thay đổi ý thức người dân".


Tổ tuần tra giao thông thuộc Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ trên đường Trần Duy Hưng, Phạm Hùng trong cả buổi sáng 20-5 đã xử lý 46 trường hợp vi phạm luật giao thông. Con số này là thấp hơn so với những đợt ra quân thực hiện các chuyên đề giao thông trước đây, chứng tỏ ý thức của người tham gia giao thông ở khu vực giáp ranh giữa nội và ngoại thành đã nâng lên. Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho rằng: "Ý thức người dân tăng cao sẽ giảm áp lực cho CSGT. Để chuẩn bị cho việc xử phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP, từ đầu tháng 5, đội đã xử lý mạnh việc xe khách dừng, đỗ tùy tiện trên đường Phạm Hùng. Chỉ trong 9 ngày thực hiện chuyên đề, đội đã xử lý hơn 400 trường hợp vi phạm, trả lại thông thoáng cho tuyến đường huyết mạch này".

Lực lượng cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội kiểm tra, xử lý xe ô tô vi phạm luật giao thông. Ảnh: Dương Hiệp


Ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến tích cực nhưng hiện tượng chống đối lực lượng chức năng vẫn xảy ra. Cá biệt là trường hợp chống đối của lái xe Nguyễn Văn Việt (ở Thanh Liêm, Hà Nam) điều khiển xe tải BKS 90T-6693 vi phạm tại nút giao thông đường Giải Phóng - Linh Đàm. Khi tổ công tác Đội CSGT số 4 yêu cầu ký vào biên bản vi phạm, lái xe này đã quay lưng lại với CSGT và cởi trần bỏ đi. Lực lượng chức năng buộc phải lập biên bản gọi cứu hộ 116 chuyển chiếc xe trên lưu kho. Cũng trên khu vực đường Giải Phóng, theo Trung tá Lê Văn Hoan, Đội CSGT số 4, khi tổ công tác lập biên bản xe 99K-7346, lái xe Nguyễn Văn Chiến (SN 1983, ở Quế Võ, Bắc Ninh) đã cương quyết không chịu xuất trình giấy tờ và ký vào biên bản cho đến khi phóng viên báo chí xuất hiện và ghi hình.

Trên tinh thần ra quân kiên quyết, những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý trong ngày đầu áp dụng Nghị định 34/NĐ-CP đều được xử lý kiên quyết, những trường hợp chưa thể áp dụng xử phạt, CSGT TP nhắc nhở, nâng cao ý thức người vi phạm.

Tính đến chiều 20-5, tổng hợp số liệu ngày đầu tiên áp dụng mức phạt tăng nặng với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ, CSGT TP đã xử lý 920 trường hợp vi phạm, phạt hành chính hơn 270 triệu đồng. Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT Hà Nội, số vụ vi phạm phải xử lý ít hơn hẳn những ngày thường cho thấy hiệu quả tích cực của nghị định khi đi vào cuộc sống.

TP Hồ Chí Minh: Nghiêm túc ở nơi có… cảnh sát

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng vi phạm giao thông ở các quận trung tâm có giảm trong ngày đầu tiên xử phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP. Tuy nhiên, ở khu vực tuyến hành lang quy định nội - ngoại thành thì số vụ vi phạm vẫn còn nhiều.

Sáng 20-5, chỉ trong vòng 30 phút tại nút giao cầu vượt Thủ Đức đã có khoảng 10 trường hợp vi phạm bị cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra xử lý. Các lỗi thường gặp là lấn tuyến; dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định… Nhiều tài xế khá ngỡ ngàng với mức phạt cao hơn hẳn ngày trước khiến các CSGT làm nhiệm vụ tại đây vừa xử phạt, vừa phải giải thích. Tài xế xe tải mang biển số 54S-7284 chạy lấn tuyến hốt hoảng với mức phạt 1,2 triệu đồng thay vì mức phạt 700 ngàn đồng như trước kia cho biết, nếu biết mức phạt cao thế này sẽ không dám chạy… liều!

Trong khu vực trung tâm nội thành, CSGT ở các ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi; Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo… cũng phải vừa viết phiếu phạt vừa giải thích cho người vi phạm. Tại các ngã tư có chốt đèn xanh, đèn đỏ đã nhiều người dừng đúng vạch hơn. Tuy nhiên, điều này không hẳn do người dân chấp hành luật nghiêm túc hơn những ngày trước mà là do có nhiều… CSGT tại các giao lộ hơn. Ở những nơi không có CSGT thì tình trạng lấn tuyến, dừng không đúng vạch, vượt đèn đỏ… vẫn còn nhiều. Trên tuyến kênh Nhiêu Lộc (quận 3) vẫn còn nhiều người đi ngược chiều thay vì phải vòng qua cầu để đi đúng phần đường của mình. Ở khu vực chợ Bến Thành, nhiều người vẫn băng qua đường nơi không có vạch kẻ, khi bị xử phạt mới ngỡ ngàng vì… từ trước đến nay không thế bao giờ!

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày đầu ra quân, Phòng CSGT đã chủ trương thực hiện nghiêm; tuy nhiên trong quá trình xử phạt cũng kết hợp với tuyên truyền, giải thích để người dân không quá bất ngờ, tránh tình trạng phản ứng lại với lực lượng chức năng. Đến hết chiều qua, trên địa bàn TP có 1.826 vụ vi phạm giao thông (ngoại thành 320 vụ), trong đó phạt tại chỗ 1.080 vụ với số tiền 72 triệu đồng, tạm giữ 32 phương tiện, trong đó có 1 xe ô tô, tước 84 giấy phép lái xe. Các lỗi vi phạm phần lớn là lấn tuyến, đậu sai quy định, ngược chiều, vượt đèn đỏ...

Đặng Loan
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức chấp hành luật có chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.