(HNM) - Dù làn sóng lây nhiễm mới dần hạ nhiệt, nhưng hệ thống chăm sóc y tế cơ bản ở nhiều nước vẫn đối mặt với khó khăn sau hàng loạt tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia cần có những hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời.
Tại Singapore, làn sóng Covid-19 đã vượt đỉnh từ giữa tháng 3 nhưng tới nay các bệnh viện vẫn rất căng thẳng vì lượng lớn các ca nhập viện không liên quan đến Covid-19. Theo Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung, phần lớn những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã trở nên tồi tệ hơn vì hệ thống chăm sóc sức khỏe Đảo quốc sư tử quá bận rộn với việc chống dịch trong hai năm qua. Đáng ngại, có tới 90-95% bệnh mãn tính đã chuyển sang trạng thái trầm trọng. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới.
Thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về tác động đáng lo ngại mà đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lên các dịch vụ y tế thiết yếu và nguy cơ những thành tựu trong lĩnh vực y tế đạt được trong hai thập kỷ qua bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn.
Theo khảo sát của WHO tại hơn 100 quốc gia, dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều hứng chịu thiệt hại trong đại dịch, đe dọa tính mạng cả những người không nhiễm Covid-19. Nghiên cứu về tình trạng hệ thống y tế ở 10 quốc gia mà tạp chí Nature công bố trong tháng 3-2022 còn chỉ ra, lĩnh vực chăm sóc phòng ngừa - như tiêm chủng thường xuyên ở trẻ em, sàng lọc, xét nghiệm… - chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19. Tình trạng trầm trọng này không những là gánh nặng đối với hệ thống y tế cơ bản sau khi Covid-19 thuyên giảm, mà còn tạo ra nguy cơ nhiều bệnh dịch truyền thống có thể bùng nổ trong tương lai.
Gánh nặng chồng chất càng đáng ngại khi hệ thống y tế nhiều nơi chưa hoàn toàn phục hồi sau tác động của Covid-19. Không chỉ việc huy động vật tư chống dịch đã rút kiệt kho dự trữ y tế, mà ở nhiều nơi nhân lực cũng đang là điểm yếu. Tại Mỹ, Tổ chức Y tế KFF ghi nhận 29% cơ sở chăm sóc y tế thiếu nhân lực trong tuần cuối tháng 2 - cao hơn so với mức 22% của tháng 5-2020. Tình trạng này trầm trọng ở Alaska (73%), Minnesota (64%), Washington (59%)… Trong khi đó, theo Tổ chức phi chính phủ quốc tế ActionAid, số lượng lớn nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc nhiều hơn trong thời gian đại dịch, khiến cho suy giảm thể chất và lo lắng trầm cảm.
Một nghiên cứu do các cơ quan y tế của Quebec (Canada) phối hợp thực hiện cũng chỉ ra, gần một nửa số nhân viên y tế từng lây nhiễm Covid-19 vẫn chịu tác động của triệu chứng “Covid kéo dài” (Long Covid). Thực tế này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực y tế chuyên nghiệp trong dài hạn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan vào khả năng phục hồi và thích ứng của hạ tầng y tế toàn cầu, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phủ vắc xin ngày càng tăng và nhiều phát kiến mới trong ứng phó Covid-19 xuất hiện. Một động lực quan trọng là việc hàng loạt gói tài chính được các nước ban hành dành phần lớn hỗ trợ lĩnh vực y tế. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra gói REACT-EU, cung cấp cho mỗi nước thành viên hàng trăm triệu euro để hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cấp dịch vụ cấp cứu, cải thiện năng lực quản lý y tế… Tương tự, Nhật Bản cũng đang trong quá trình triển khai gói ngân sách bổ sung, trong đó có 165,3 tỷ USD hỗ trợ các cơ sở y tế...
Bước sang "năm Covid-19 thứ ba", thế giới sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức do sự lây nhiễm của Omicron và các biến chủng mới tiềm ẩn. Trong bối cảnh đó, việc tập trung tăng cường chủ động ứng phó cho hạ tầng y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.