Theo dõi Báo Hànộimới trên

Y tế nông thôn: Chong đèn… chờ bác sĩ

Kim Vũ| 03/08/2011 07:08

(HNM) - Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ trầm trọng. Ở nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc người dân "chong đèn" chờ bác sĩ đã trở thành chuyện thường ngày. Thiếu bác sĩ, người dân chỉ còn biết trông cậy vào các… thầy mo. Điều này khiến cho sức khỏe người bệnh không thể tốt lên mà nhiều khi còn dẫn đến nguy cấp, thậm chí tử vong.

Nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Do thiếu bác sĩ và điều kiện chăm sóc y tế cần thiết, tại nhiều địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, người dân đã phải dựa vào các phương pháp chữa bệnh dân gian, thiếu khoa học và thậm chí cả thầy mo, không có trình độ chuyên môn. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp bệnh tình không thuyên giảm mà còn nguy kịch hơn.

Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho dân tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Đình Trân


Số liệu thống kê đến đầu năm 2011 của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay trong số hơn 11.000 xã, phường, thì 70% số xã đã có bác sĩ, 85% số thôn có nhân viên y tế. Tuy nhiên, đối với những vùng sâu, vùng xa, miền núi địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, thì mỗi thôn, xã nếu có đến hai đến ba bác sĩ cũng khó bảo đảm được công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tổ chức Y tế thế giới vì thế đã lấy cách tính tỷ lệ bác sĩ/dân số để làm chuẩn đánh giá về nhân lực y tế. Nếu theo tiêu chí này, Việt Nam là quốc gia thiếu bác sĩ trầm trọng. Hiện nay, nước ta mới chỉ đạt tỷ lệ 7,1 bác sĩ/10.000 dân, kém xa các nước trong khu vực, như Philippines, Brunei, Trung Quốc, Singapore… Lực lượng cán bộ chuyên môn luôn phải làm việc quá sức: Định mức cán bộ y tế/giường bệnh thấp hơn so với quy định trong Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV với con số dao động thường từ 0,57 - 1,09 người/1 giường bệnh, trong khi quy định là từ 1,45-1,55 người/1 giường bệnh. Nếu so sánh tương quan giữa cán bộ y tế với số bệnh nhân thực tế thì chỉ số này còn thấp hơn nhiều. Tình trạng thiếu cán bộ đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh (thời gian khám bệnh trung bình/1 bệnh nhân chỉ 3-5 phút).

Theo kế hoạch phát triển của ngành y tế, đến năm 2020 tỷ lệ bác sĩ/dân số của Việt Nam mới phấn đấu đạt khoảng 14 bác sĩ/10.000 dân, tức chỉ bằng với tỷ lệ của Philippines hoặc Trung Quốc hiện nay (12 và 14 bác sĩ/10.000 dân). Ngay cả TP Hồ Chí Minh, số bác sĩ hiện có cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu.

Đẩy mạnh hoạt động tự nguyện

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - đào tạo (Bộ Y tế)

Trần Quốc Kham: Hiện nay, việc đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các trường ĐH trực thuộc Bộ Y tế có mức đầu tư xây dựng cơ bản rất thấp, không có kinh phí thường xuyên cho nâng cấp trang thiết bị dạy học, chủ yếu dựa vào một số dự án ODA nhỏ lẻ. Chương trình mục tiêu quốc gia cho hệ thống giáo dục mỗi năm cấp cho 11 cơ sở đào tạo của Bộ Y tế chỉ từ 4-8 tỷ đồng/năm/trường. Ngân sách chi thường xuyên nhiều năm nay vẫn chỉ xung quanh mức 7,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế, nhiều năm qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thực hiện nhiều hình thức đào tạo cán bộ y tế như đào tạo cử tuyển, liên thông, theo địa chỉ... Hai năm qua, ngành y tế cũng đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 (cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới), dự án "Bệnh viện vệ tinh"… vừa giúp nâng cao trình độ cho cán bộ y tế vừa giúp người dân được khám, chữa bệnh ngay tại cơ sở.

Tại hội nghị trực tuyến về "Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011 - 2020", Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ Phạm Hùng Lực cho biết, các hệ đào tạo nhân lực y tế hiện nay như cử tuyển, liên thông, đào tạo theo địa chỉ… đã góp phần khắc phục được phần nào tình trạng thiếu nhân lực của ngành y tế các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số cán bộ có chất lượng tốt không trở về địa phương làm việc nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nhân lực y tế.

Còn có thêm một nghịch lý, trong khi các khu vực vùng sâu, vùng xa đang thiếu bác sĩ trầm trọng, năm nào cũng có hàng trăm bác sĩ ở những nơi này bỏ việc. Nguyên nhân là do làm việc ở đây thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị, thuốc men, lại thêm chế độ chính sách không theo kịp thực tế. Bác sĩ Trần Văn Khanh, khoa Nội soi (Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh), trong quá trình 18 năm làm công tác tự nguyện chăm sóc sức khỏe cho người dân đã từng phải chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra vì thiếu bác sĩ và cơ sở vật chất ở những vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Khanh cho rằng: "Vùng sâu, vùng xa tuy cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng nếu có đội ngũ bác sĩ giàu tâm huyết và kinh nghiệm thì cũng có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe của người dân rất nhiều".

Bên cạnh các giải pháp chiến lược lâu dài của ngành y tế, một số đơn vị y tế tuyến trên cũng đã chủ động tìm giải pháp trước mắt để san sẻ gánh nặng thiếu bác sĩ bằng việc phát động phong trào tự nguyện đi khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả phong trào này là Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi năm, trường  tổ chức khoảng 30 chuyến đi khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí tại các vùng quê nghèo. Riêng từ tháng 4-2010 đến nay, các đoàn bác sĩ của trường đã thực hiện "Hành trình chung tay chăm sóc sức khỏe cộng đồng" ở 22 địa phương với sự tài trợ thuốc của một số doanh nghiệp dược. Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho hoạt động y tế hiện nay còn thấp, thì việc phối hợp hỗ trợ các vùng khó khăn cả về nhân lực và vật lực dưới hình thức này là cần thiết và hiệu quả.

Một công bố mới đây tại Anh cho biết, cứ 1 bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 10.000 người dân đồng nghĩa với việc giảm tỷ suất tử vong xuống 5%. Điều đó cho thấy, trong việc chăm sóc sức khỏe người dân thì yếu tố con người - cụ thể là đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và tâm huyết - chính là yếu tố quan trọng hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y tế nông thôn: Chong đèn… chờ bác sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.