(HNM) - Xe buýt ngày càng đóng vai trò tích cực trong nỗ lực làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Những năm qua, xe buýt Hà Nội đã gia tăng nhanh về số đầu tuyến, phương tiện và năng lực cung ứng, từng bước xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân.
Không chỉ phát triển tại các quận nội đô, xe buýt đã dần “phủ sóng” khắp các vùng ngoại thành. Đặc biệt, vừa qua, 3 tuyến buýt có trợ giá của thành phố đã "tới" thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) - 2 địa phương cuối cùng trong 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội được sử dụng dịch vụ xe buýt có trợ giá với tiêu chuẩn chất lượng cao.
Đây là kết quả có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc! Bởi lẽ, việc "phủ sóng" 100% địa bàn dù đồng nghĩa với tăng thêm gánh nặng ngân sách cho Thủ đô vốn đã bộn bề các chương trình, nhiệm vụ nhưng mạng lưới xe buýt có trợ giá thông suốt giữa nội thành và ngoại thành không chỉ mang thêm cơ hội lựa chọn phương tiện cho người dân, giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn giảm đáng kể lượng phương tiện cá nhân lưu thông, góp phần không nhỏ vào nỗ lực hạn chế ùn tắc giao thông.
Xe buýt có trợ giá là vấn đề không mới, nhưng rất đáng quan tâm, đặc biệt với người dân vùng ngoại thành. Với điều kiện thu nhập còn thấp, phải đi lại nhiều, xe buýt có trợ giá là mong mỏi lâu nay của người dân tại nhiều "vùng trắng" loại hình phương tiện này. Nói không quá, xe buýt có trợ giá chính là một hình thức phúc lợi xã hội mà người dân ngoại thành, đặc biệt tại vùng xa, vùng khó khăn được thụ hưởng. Ở chiều ngược lại, có thể thấy đây là nỗ lực không nhỏ của thành phố trong việc không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong mỗi bước phát triển, giải quyết hài hòa mối quan hệ tăng trưởng kinh tế gắn với phúc lợi xã hội.
Để xe buýt có trợ giá hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trở thành phương tiện "thân thiện" với người dân, có rất nhiều vấn đề cần được chú ý. Trước hết, về đánh giá chung, phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của xe buýt còn một số bất cập như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, dừng, đỗ không đúng điểm… Những hạn chế này cần sớm được khắc phục.
Cùng với đó, cần đầu tư để nâng cao chất lượng xe buýt, dần thay thế các phương tiện hoạt động đã lâu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành xe buýt, tăng cường hệ thống thông tin phục vụ hành khách tại các điểm đầu cuối, điểm dừng, đón trả khách...
Tựu trung lại, vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói chung, hoạt động của xe buýt có trợ giá nói riêng, là phải có giải pháp để hệ thống này không chỉ thực sự hấp dẫn (nhờ trợ giá) mà còn tiện lợi. Nếu chất lượng loại dịch vụ vận tải hành khách công cộng này có chất lượng tốt, người dân sẽ lựa chọn, từ đó thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Điều đó đòi hỏi phải đào tạo cả về nghiệp vụ lẫn cung cách phục vụ của đội ngũ tài xế và nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ với các giải pháp đồng bộ như: Lắp camera giám sát trên xe, ứng dụng công nghệ mới, thay đổi kết cấu xe trên các tuyến để phục vụ tốt cho mọi đối tượng, đặc biệt với người tàn tật, người già…
Ý nghĩa xã hội sâu sắc của quá trình nỗ lực "phủ kín" mạng lưới xe buýt có trợ giá, thiết thực hỗ trợ và có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện giao thông cho người dân ngoại thành Hà Nội, vì thế sẽ càng có sức lan tỏa!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.