(HNMO) - Việc doanh nghiệp đề xuất ngừng bán xăng khoáng RON95, chỉ bán xăng sinh học E5RON92 và E5RON95 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được những ý kiến trái chiều.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với các đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình triển khai xăng sinh học E5RON92 (5% ethanol và 95% xăng khoáng) nhằm đảm bảo đúng lộ trình diễn ra mới đây, đại diện Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5RON95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học trên toàn quốc là E5RON92 và E5RON95.
Từ 1-1-2018, xăng khoáng RON92 đã không còn trên thị trường, được thay bằng xăng sinh học E5RON92. |
Ý kiến này được đưa ra trong bối cảnh tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức cao như kỳ vọng. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905m3, trong đó xăng E5RON92 đạt khoảng 593.609m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng RON95 đạt khoảng 836.296m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.
Phản ánh của một số doanh nghiệp cho thấy, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng bởi một số nguyên nhân như: Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 vì dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều; độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng; việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt. Chưa kể, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến cho mức giá bán E100 gần đây tăng lên, khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Đề xuất trên của Saigon Petro nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Trao đổi với PV Hànộimới Điện tử, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự lực 1 cho biết, xăng E5 giúp bảo vệ môi trường, trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng loại xăng này. “Vì vậy, việc thực hiện ngừng bán xăng khoáng RON95, chỉ bán xăng E5 là hợp lý”, ông Tiu nói.
Hơn nữa, hiện nay trên thị trường tồn tại hai loại xăng khiến xăng sinh học khó bán trong khi loại xăng này cần khuyến khích được tiêu thụ nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự lực 1 cũng cho biết, nếu đề xuất trên được chấp nhận, không phải lo về nguồn cung vì Nhà nước sẽ có biện pháp về đầu vào để bảo đảm đủ nguồn cung.
Trong khi đó, nhiều người dân không đồng tình với đề xuất này. Theo khảo sát của một báo điện tử, hơn 80% độc giả không ủng hộ đề xuất bỏ xăng RON95. Một số người dân đã từng sử dụng xăng E5 cho biết, mặc dù giá xăng E5 có phần “mềm” hơn và loại xăng này góp phần bảo vệ môi trường nhưng thực tế sử dụng cho thấy, xăng E5 bị hao hơn xăng RON95.
Liên quan đến đề xuất này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ quan điểm, về lâu dài, chúng ta cũng phải nghiên cứu để đưa lộ trình sử dụng xăng sinh học thay xăng khoáng bởi xu hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và nguồn xăng khoáng đang có nguy cơ cạn kiệt. Hơn nữa, sử dụng xăng sinh học sẽ giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy nghề trồng sắn phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm.
“Tuy nhiên, trước mắt chưa thể bỏ xăng khoáng RON95 mà cần có thời gian, lộ trình”, ông Thỏa nhấn mạnh. Nguyên nhân là bởi hiện nay người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng vào xăng E5. Điều này được thể hiện ở số lượng tiêu thụ xăng RON95 chiếm áp đảo thời gian qua.
Hơn nữa, điều kiện để sản xuất và cung cấp xăng sinh học chưa được đảm bảo, bởi hiện nay mới chỉ có một đơn vị sản xuất ethanol là Công ty TNHH Tùng Lâm, sẽ dẫn đến độc quyền về cung cấp nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, đây mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, khi xem xét đề xuất này, cần nhìn cả hệ thống sử dụng nhiên liệu, như các loại phương tiện được nhà sản xuất khuyến cáo như thế nào khi sử dụng xăng E5, ý kiến người tiêu dùng, nguyên tắc thị trường,...
Ông cũng cho rằng, để xăng E5 được sử dụng nhiều hơn, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, trong đó chứng minh dùng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ; đồng thời cần định hướng, hướng dẫn và có chính sách khuyến khích tiêu dùng đối với mặt hàng này.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc sử dụng xăng sinh học đã phổ biến trên thế giới, có nước đã sử dụng xăng E30 chứ không chỉ xăng E5. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ được thực hiện nếu có cơ chế quản lý chặt chẽ chất lượng xăng; xăng bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến động cơ phương tiện của người tiêu dùng; giá xăng không mang tính độc quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.