Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuống cấp nhanh, thiếu kinh phí duy tu

Kim Văn| 24/06/2016 08:17

(HNM) - Chương Mỹ là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ phía tỉnh Hòa Bình đổ về. Tuy nhiên, khó khăn của huyện là các công trình phòng chống lũ lụt đang xuống cấp nhanh nhưng lại thiếu kinh phí duy tu.

Địa hình của huyện Chương Mỹ được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng chịu ảnh hưởng từ lũ rừng ngang, vùng ven Sông Đáy và vùng giữa huyện. Trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua là Sông Tích, Sông Đáy, Sông Bùi và 3 hồ chứa nước Đồng Sương, Miễu, Văn Sơn dung tích hàng triệu mét khối. Do địa hình, thủy văn như vậy nên tình hình ngập úng của huyện không chỉ phụ thuộc lượng mưa nội địa mà còn chịu ảnh hưởng bởi nguồn nước từ địa phương khác đổ về các con sông và khả năng an toàn hồ đập…

Một đoạn đê Sông Bùi đoạn qua xã Trung Hòa (Chương Mỹ).



Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc: Chất lượng hệ thống đê điều hiện nay trên địa bàn chưa bảo đảm năng lực tiêu so với lượng mưa trên 250mm trong thời gian ngắn. Các hồ chứa nước do thời gian đắp đập đã lâu (hơn 40 năm) và thường xuyên ngâm nước, thân đập chưa được kiểm tra tổ mối, hang hốc… Bên cạnh đó, thời tiết mấy năm gần đây do biến đổi khí hậu nên thiên tai diễn biến phức tạp, ngày càng khó lường… Minh chứng rõ nhất là trận mưa hồi cuối tháng 5 vừa qua đã làm ngập 1.505ha lúa, 157ha thủy sản, 252ha ngô, rau màu các loại. Tuy nhiên, do có sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai nên huyện Chương Mỹ đã huy động và vận hành toàn bộ các trạm bơm tiêu cứu được 1.505ha lúa, không xảy ra thiệt hại về người.

"Mặc dù sự việc đã qua gần một năm nhưng đến nay ai cũng nhớ cơn lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về do ảnh hưởng của cơn bão số 3 hồi cuối năm 2015 khiến nước Sông Bùi lên nhanh gây ngập úng khu dân cư, trường học, đường giao thông ở thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến... Khi đó, huyện phải huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng nhân dân di dời được 85 người bị mắc kẹt trong nước sâu và nhiều tài sản giá trị khác của các hộ dân thuộc thị trấn Xuân Mai, xã Thủy Xuân Tiên đến nơi an toàn. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hàng trăm héc ta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Ngoài ra, lũ còn làm sạt lở 135m đê điều và 405m đường giao thông nội đồng, 220m đường giao thông nông thôn… khiến công tác khắc phục phải mất nhiều ngày" - ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết thêm.

Thực tế trên đã khiến công tác phòng chống thiên tai trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với huyện Chương Mỹ. Cụ thể là đến nay, huyện đã xây dựng phương án ứng phó các tình huống thiên tai, lũ lụt có thể xảy ra; chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư cần thiết theo quy định. Bên cạnh đó, Chương Mỹ đã tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống thiên tai cho các lực lượng được giao nhiệm vụ với mục đích bảo đảm tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với huyện Chương Mỹ trong công tác phòng chống lũ lụt mùa mưa bão năm nay, đặc biệt là ứng phó hiện tượng thời tiết cực đoan đó là các công trình phòng chống lũ lụt trên địa bàn đang xuống cấp rất nhanh. Vì vậy, huyện đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí tu sửa các tuyến đê bao ngăn lũ rừng ngang thuộc các xã vùng hữu Sông Bùi; mặt đê hữu Sông Đáy đoạn qua xã Văn Võ; mặt đê tả Sông Bùi, đoạn qua xã Tốt Động, Quảng Bị; đồng thời đề nghị thành phố cho xử lý khẩn cấp hai cung sạt đê tả Sông Bùi đoạn qua xã Trung Hòa, xã Quảng Bị. Bên cạnh đó là đề nghị thành phố hỗ trợ xây dựng, nâng cấp một số trạm bơm; tu sửa 8 điếm canh đê; cải tạo, nâng cấp hồ Văn Sơn…

Không chỉ có vậy, hiện nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, đặc biệt là trên tuyến đê và lòng Sông Bùi… Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho huyện về sự cần thiết phải có kế hoạch xử lý dứt điểm nhằm bảo đảm năng lực hiệu quả cho các công trình phòng chống lũ lụt…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuống cấp nhanh, thiếu kinh phí duy tu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.