Gần nửa triệu dân thường Lebanon đã phải rời bỏ nhà cửa ở miền Nam và thung lũng Bekaa kể từ khi Israel tăng cường chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Hezbollah.
Với đất nước đang phải vật lộn trong khủng hoảng kinh tế, cuộc di cư của hàng trăm nghìn người làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và dấy lên lo ngại về một tình trạng khẩn cấp nhân đạo lớn, cũng như những bất ổn cho quốc gia này.
Kể từ khi Hezbollah tấn công miền Bắc Israel để thể hiện tình đoàn kết với đồng minh Hamas, miền Nam Lebanon đã trở thành chiến trường do Tel Aviv tiến hành các cuộc tấn công trả đũa. Được coi là một thành trì của Hezbollah, khu vực này đang phải đối mặt với các cuộc ném bom gần như hằng ngày, tàn phá nhiều thị trấn, làng mạc... Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết, các cuộc tấn công mới nhất ở Lebanon đã mở rộng sang những khu vực chưa từng bị tấn công trước đó, gây thương vong cho dân thường và tàn phá trên diện rộng.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdallah Bou Habib, khoảng 500.000 người Lebanon đã phải sơ tán kể từ khi Israel tăng cường tấn công Hezbollah. Trong khi một số người tìm được nơi trú ẩn tại nhà của bạn bè hoặc người thân, thì số lượng lớn người phải di dời đã vượt quá khả năng cung cấp chỗ ở của chính phủ. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ ngày 23-9, ở Lebanon đã có thêm 90.000 người phải sơ tán. Gần 300 trường học trên cả nước được sử dụng để làm nơi trú ẩn cho những người phải rời bỏ nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hơn 100.000 học sinh. Trong khi đó, hệ thống cung cấp nước của Bekaa và miền Nam Lebanon đã bị hư hại nghiêm trọng, khiến 30.000 người mất đi nguồn nước sạch. Trong bối cảnh này, Chính phủ Lebanon không có khả năng để thực hiện những nỗ lực cứu trợ.
Giám đốc chương trình CARE International tại Lebanon (một tổ chức phát triển quốc tế và viện trợ nhân đạo) Hovig Atamian chia sẻ với Hãng tin Arab News: “Lebanon đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và vẫn chưa phục hồi sau vụ nổ tàn khốc tại cảng Beirut tháng 8-2020, đồng thời cuộc khủng hoảng kinh tế đã nhấn chìm đất nước này bắt đầu từ cuối năm 2019”. Đồng nội tệ của nước này đã mất 95% giá trị kể từ khi nền kinh tế sụp đổ vào năm 2019 và hơn 80% dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ.
Trong báo cáo mới công bố hôm 26-9, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) nêu rõ, Beirut đang phải đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát quá cao và đã mất hơn 40% GDP kể từ năm 2018. Thêm vào đó, tình trạng bế tắc chính trị và tiến độ thực hiện các cải cách quan trọng vẫn trì trệ tiếp tục cản trở sự phục hồi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang theo dõi tác động đối với nền kinh tế quốc gia này khi cuộc xung đột Israel - Hezbollah leo thang.
Với nguồn tài trợ quốc tế đang cạn kiệt do cuộc chiến ở Gaza, Ukraine và xung đột ở các khu vực khác, có nhiều ý kiến quan ngại rằng, Lebanon có thể bị bỏ qua về mặt viện trợ nhân đạo. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Lebanon Imran Riza cho hay, Quỹ nhân đạo Lebanon đã phân bổ một gói viện trợ khẩn cấp trị giá 24 triệu USD để giải quyết nhu cầu cấp thiết của những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh.
Trong khi đó, Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người Palestine (UNRWA) cho biết, đã kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp ở quốc gia này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cung cấp vật tư y tế cho các cơ sở đang quá tải của Lebanon sau vụ nổ thiết bị liên lạc vào tuần trước. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự kiến đưa 25 tấn thuốc cứu sinh và hàng hóa y tế đến nước này trong những ngày tới. Các tổ chức nhân đạo huy động thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có các bộ dụng cụ vệ sinh. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thông báo chuẩn bị ứng phó với số lượng người Lebanon và Syria phải di tản ngày càng tăng khi hàng trăm phương tiện đang xếp hàng dài ở biên giới Syria. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi tuyên bố: Trung Đông không thể chịu đựng được một cuộc khủng hoảng di cư mới.
Những nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt xung đột Israel - Hezbollah đã thất bại. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 hôm 24-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo về những nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện ở Lebanon, đồng thời kêu gọi kiềm chế từ mọi phía. Dẫu vậy, giao tranh giữa Hezbollah và Israel chưa có dấu hiệu ngừng lại và con đường hòa giải hướng tới lệnh ngừng bắn ở Lebanon vẫn là viễn cảnh xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.