(HNM) - Đến TP Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng 4 lịch sử, cảm nhận rõ nhất là vùng đất này đang có tốc độ phát triển nhanh đến kinh ngạc. 37 năm sau chiến tranh, giờ đây mục tiêu xây dựng, phát triển TP
“Kỳ tích” ở một dòng kênh
Những ai đi xa TP Hồ Chí Minh chừng 10 năm trước, khi trở về hẳn không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. "Dòng kênh chết" với "xóm nước đen" ngày nào giờ đã trở nên hữu tình với tuyến đường hiện đại khang trang chạy dọc đôi bờ, ôm lấy dòng kênh như dải lụa xinh đẹp uốn lượn giữa lòng thành phố… Niềm tự hào còn tròn vẹn hơn khi hai tuyến đường dọc kênh được trang trọng mang tên hai quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: Hoàng Sa và Trường Sa.
Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
27 năm "đổi màu" dòng kênh
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng được mệnh danh là "xóm nước đen" bởi đây là một khu ở tạm bợ với hàng chục ngàn căn nhà ọp ẹp của những người nghèo tứ xứ đổ về đây, cơi nới tràn lan trên dòng nước đen tanh tưởi. Ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt cùng tình trạng ngập úng khiến nơi này trở thành "vùng trũng" của đói nghèo và tệ nạn xã hội. Bà Nguyễn Thị Thanh Mận (ngụ ở đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình) kể: "Thời trước ở đây toàn là dân nghèo. Sống mãi rồi thành quen, chứ nhiều người ở nơi khác không dám đi qua đây bởi mùi hôi và tệ nạn xã hội". Những hình ảnh đó giờ đã lùi xa. Con đường chật chội nhếch nhác rác thải, xà bần (gạch vụn, vôi vữa…) trong ký ức cũ được thay bằng hai con đường hiện đại, rộng 9m với 3 làn xe. Vỉa hè ở cả hai phía khu dân cư và phía bờ kè cũng đã được mở rộng đến 4m với những mảng xanh tươi tắn của những cây tràm bông đỏ, nguyệt quế…
Sự "lột xác" của tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chỉ đơn thuần là một công trình mà còn là tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo TP từ nhiều năm nay. Năm 1985, việc cải thiện dòng kênh bắt đầu khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND TP, yêu cầu Sở Nhà đất lên chương trình khơi thông tuyến kênh. Nhiệm vụ đặt ra là không những khai thông, trả lại chức năng tiêu thoát nước mà còn phải cải thiện đời sống người dân nơi đây và chỉnh trang lại TP đang ngày càng phát triển văn minh. Các sở, ngành đã bắt tay vào thực hiện, nhưng chỉ làm được một đoạn nhỏ thì ngưng, không tiếp tục được nữa. Có nhiều lý do khiến việc thực hiện công trình tâm huyết này rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi", trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí thực hiện.
Những năm sau, dự án tiếp tục được thực hiện với quyết tâm của những lãnh đạo TP kế nhiệm như Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Trương Tấn Sang (nay là Chủ tịch nước)… Tuy nhiên, do còn quá nhiều vướng mắc nên công trình vẫn chưa thể hoàn thành, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Mãi đến tháng 7-1994, "nút thắt" về tài chính phần nào được tháo gỡ khi Nghị định 61/CP về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ra đời. TP nhanh chóng tiến hành xây dựng các khu tái định cư để di dời hàng ngàn người dân sống ở các căn nhà "ổ chuột" ven kênh đến nơi ở mới. Mọi việc bắt đầu được xúc tiến nhanh hơn.
Đến năm 2002, "Dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè" chính thức được triển khai khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho TP vay 166 triệu USD không tính lãi trong 40 năm, nhằm "đổi màu" cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. TP đặt ra thời hạn là năm 2007 sẽ hoàn thành công trình. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa thể suôn sẻ khi dự án không ít lần phải ngưng do vẫn còn quá nhiều vướng mắc, từ những vướng mắc với nhà tài trợ về quy định trong việc đấu thầu; rồi nhà thầu nước ngoài thi công chậm chạp khiến dự án phải trì hoãn nhiều lần…
Hành trình làm sống lại dòng kênh gồm các hạng mục thoát nước thải như việc xây dựng tuyến cống bao, giếng tách dòng, mở rộng và nâng cấp cống thoát nước, nạo vét 1,1 triệu mét khối bùn… Trong đó tuyến cống bao là "xương sống" của dự án, dài khoảng 8,4km, bắt đầu từ quận Tân Bình, chạy zích zắc qua hai bờ kênh và kết thúc ở gần cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Có đường kính 3m, cống sẽ dẫn toàn bộ nước thải và một phần nước mưa về trạm bơm để không cho nước thải đổ vào kênh nữa. Dự án còn cải tạo, nâng cấp và thay thế 52km cống thoát nước nhằm chống ngập do mưa, triều cường để bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước, giải quyết ngập úng trên lưu vực rộng hơn 33km2; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, chống ô nhiễm dòng kênh, qua đó góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho khoảng 1,5 triệu người dân của 7 quận dòng kênh chảy qua, gồm quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp.
Hoàng Sa, Trường Sa giữa lòng thành phố
Ông Hoàng Nghị, Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng (nguyên là Thư ký Hội đồng đặt tên đường TP) cho biết một điều thú vị là cách đây gần 15 năm, từ năm 1998 lãnh đạo TP đã quyết định lấy tên hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là Hoàng Sa và Trường Sa để đặt tên hai con đường bờ Nam, bờ Bắc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và giờ thì điều đó đã trở thành hiện thực. Chính vì vậy, dự án này không chỉ là dấu ấn của nhiều thế hệ TP mà còn có ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ người dân TP về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng phải nhắc tới một kỳ vọng về việc đưa tuyến kênh này vào khai thác du lịch để tận dụng thế mạnh của dòng kênh đẹp đi xuyên qua lòng TP. Chính vì vậy mà ngoài việc mở rộng mặt đường, lát lại vỉa hè, dọc hai bên con kênh còn được làm tiểu cảnh với những cây xanh có hoa đẹp như bằng lăng tím, osaka hoa vàng, hoa giấy… Tại mỗi chân cầu nơi dòng kênh đi qua như cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu… sẽ có những tiểu cảnh, những điểm nhấn về cảnh quan bằng nghệ thuật sắp đặt cây xanh, bồn hoa, đá… không chỉ để người dân TP thưởng ngoạn mà còn thu hút du khách tham quan.
Hành trình làm "xanh" dòng kênh vẫn còn dang dở, với rất nhiều việc phải làm để "đổi màu, thay mùi" cho dòng kênh. Thế nhưng với những gì đã làm được ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đủ làm nên câu chuyện cổ tích cho người dân TP. Ký ức của bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, ở đường Nguyễn Văn Đang, phường 11, quận 3) về những năm tháng ấu thơ phải sống trên căn nhà cơi nới và "chơi" với những rác rưởi, xà bần giờ đã được thay bằng hình ảnh con cháu mỗi chiều chơi đùa, hóng mát ven kênh; bản thân bà sáng nào cũng đi tập thể dục, chạy bộ trên vỉa hè lát đá của hai bên đường. Đó là điều kỳ diệu khiến bà Xuân thốt lên rằng "không thể tin nổi". Cụ Nguyễn Thị Điền, năm nay đã bước sang tuổi 94, quê Hưng Yên di cư vào TP sinh sống từ năm 1954, ngày ngày gắn bó với bờ kênh nên hiểu và cảm nhận rõ nhất sự thay đổi ở bờ kênh ô nhiễm này. Cận kề tuổi "hai năm mươi", trải qua bao thăng trầm lịch sử, chính cụ cũng không thể tin nổi con kênh gần như bị lấp kín, ô nhiễm nồng nặc năm nào nay đã khoác trên mình "bộ áo mới". Và không chỉ người dân sinh sống ở ven kênh, mà nhiều người dân khác của TP cũng cảm thấy tự hào mỗi khi có dịp đi lại trên tuyến đường này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.