(HNMO) - Tối 8-10, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Thu Hà Nội” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) và 65 năm thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (14/10/1954 - 14/10/2019) đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội.
Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán nhấn mạnh, ngày 10-10-1954 là mốc son rực rỡ mở ra trang sử mới cho Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trải qua 65 năm chiến đấu và phát triển, Hà Nội không ngừng lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu toàn diện, luôn xứng danh là Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hoà bình; là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học của cả nước; là niềm tin yêu và hy vọng của mọi người dân Việt Nam.
“Nhìn lại chặng đường phát triển 65 năm qua của thành phố, chúng ta hôm nay càng tự hào về trí tuệ, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Thủ đô”, đồng chí Tô Quang Phán bày tỏ.
Tại chương trình, đồng chí Tô Quang Phán cũng nhắc lại lịch sử hình thành của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Từ khởi nguồn là Trạm Truyền thanh Thủy Tạ phát đi tiếng nói người Hà Nội vào ngày 14-10-1954, tháng 10-1977, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Hà Nội được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 1-1-1979, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh Hà Nội được phát trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngày 25-8-1989, Đài Phát thanh Hà Nội được thành phố Hà Nội đổi tên là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, chính thức ghi nhận Đài là tờ báo nói, báo hình của thành phố.
Chương trình nghệ thuật “Thu Hà Nội” được thực hiện với kịch bản đặc biệt, khắc họa lịch sử Hà Nội bằng âm nhạc, gắn với 65 năm giải phóng Thủ đô. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: Mỹ Linh, Trọng Tấn, Khánh Linh, Tấn Minh, Phạm Thu Hà, nhóm Bel Canto và tốp múa..., cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, với sự chỉ huy của nghệ sĩ Đồng Quang Vinh.
Trong khuôn khổ chương trình, khán giả được nghe những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng về Hà Nội như: "Người Hà Nội", "Tiến về Hà Nội", "Tiếng nói Hà Nội", "Hà Nội những đêm không ngủ", "Tổ quốc yêu thương", "Hà Nội mùa thu", "Nhớ mùa thu Hà Nội", "Hà Nội đêm trở gió", "Hà Nội niềm tin hy vọng", "Hà Nội linh thiêng hào hoa"... Đan xen với các tiết mục âm nhạc là những clip phóng sự, các tiểu phẩm khắc họa về Hà Nội của một thời chiến tranh gian khổ, cho đến lúc tưng bừng cờ hoa, tràn ngập tự hào trong Ngày Giải phóng Thủ đô.
Điểm nhấn của chương trình là tiểu phẩm tái hiện lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong Ngày Giải phóng Thủ đô tại sân Cột Cờ (nay là sân Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long). Khi lời ca khúc “Tiến quân ca” vang lên, các đại biểu có mặt tại chương trình đã cùng đứng lên làm lễ chào cờ linh thiêng.
“Thu Hà Nội” được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, mang đến nhiều xúc cảm cho người nghe, nhắc nhở mỗi người thêm yêu, thêm tự hào về Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.