(HNM) - Để hoàn thành nhiệm vụ là đầu ra cho sản phẩm sản xuất trong nước, tạo nguồn thu ngoại tệ, cải thiện cán cân thương mại quốc gia trong năm 2017, xuất khẩu phải vượt khó, tăng cao và ổn định từ đầu năm với tinh thần vào cuộc đồng bộ…
Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung (Thái Nguyên). |
Kết quả đáng ghi nhận
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước tháng 1-2017 đạt 14,342 tỷ USD, trong đó KNXK điện thoại và linh kiện, hàng điện tử, máy tính và linh kiện, thủy sản, giày dép đều thấp hơn so với dự tính trước đó. Tiếp theo, con số này trong tháng 2 là 13 tỷ USD, giảm 9,4% so với tháng 1. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm nhiều như hàng dệt may giảm 30,4%, giày dép 23%, phương tiện vận tải và phụ tùng 25%, gỗ và sản phẩm gỗ 34,3%, thủy sản 18,8%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tại hầu hết các thị trường quốc tế đang trên đà giảm sút và thời gian nghỉ Tết Đinh Dậu hơi dài ít nhiều gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thương mại nói chung...
Tính chung 2 tháng đầu năm, KNXK đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, về mặt chỉ tiêu kế hoạch thì kết quả trên khá ấn tượng, bởi tốc độ tăng trưởng của KNXK vẫn cao hơn hẳn so với chỉ tiêu ấn định từ trước là tăng 6-7%, có tính chất đảo chiều so với thời gian trước - khi tốc độ tăng trưởng của KNXK thường xuyên ở mức dưới 10%. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng KNXK hằng năm như điện thoại và linh kiện, giày dép, thiết bị và phụ tùng đang có bước tiến triển và gia tăng trở lại từ thời điểm giữa tháng 2.
Xét về thị trường xuất khẩu, cần ghi nhận sự hiện diện của hàng hóa Việt tại thị trường quan trọng và có sức mua lớn nhất là Hoa Kỳ, với kim ngạch 6 tỷ USD, đạt mức tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là cơ sở để Bộ Công Thương chủ động hối thúc các DN gia tăng các biện pháp nhằm mở rộng quy mô xuất khẩu vào thị trường này. Tiếp đến là EU, với mức nhập khẩu 5,4 tỷ USD giá trị hàng hóa Việt Nam.
Một diễn biến tích cực khác là KNXK sang Trung Quốc đang có sự hồi phục khá mạnh, với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 36%. Nhờ kết quả xuất khẩu khá nên kịp thời chia sẻ cho hoạt động nhập khẩu, góp phần kìm giữ mức nhập siêu ở mức rất thấp là 46 triệu USD.
Lượng sức, lường khó khăn
Chính phủ đang theo dõi tình hình, tập trung chỉ đạo các bộ, địa phương tăng cường hỗ trợ DN để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có lồng ghép giữa các sự kiện ngoại giao với kinh tế đối ngoại, nhất là giới thiệu hàng xuất khẩu. Bộ Công Thương tiếp tục công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cấp quốc gia, tập trung vào những thị trường trọng điểm, truyền thống để củng cố sự hiện diện của hàng Việt. Đặc biệt, Bộ chủ trương nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm đạt tiêu chuẩn vượt qua hàng rào về tiêu chuẩn, quy định chất lượng của các nước nhập khẩu.
Đây là những diễn biến mới, thể hiện tinh thần quyết liệt đáp ứng yêu cầu mới khi cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn trong hội nhập, nhiều quốc gia gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước bằng hàng rào kỹ thuật - có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất cần được khuyến cáo, hỗ trợ để duy trì hoạt động xuất khẩu với những thông tin mới nhất về diễn biến thị trường, đối sách của các nước nhập khẩu và khuyến nghị từ cơ quan chức năng, qua đó tự bảo vệ mình, đồng thời sẵn sàng “phản pháo” khi có khiếu kiện, tranh chấp thương mại. Một số sản phẩm cần lưu ý, dễ bị đối tác nước ngoài “quan tâm”, gồm nông - thủy sản, thép, dụng cụ - sản phẩm cơ kim khí…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017, ngành sẽ đổi mới căn bản công tác xúc tiến thương mại; tập trung hướng tới các thị trường là đối tác cùng tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Các địa phương, DN cần khai thác tốt những ngành hàng có lợi thế và còn dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu kết hợp việc lựa chọn một số mặt hàng có tiềm năng để có hoạt động tập trung quảng bá theo chương trình riêng. Bên cạnh đó, các bộ liên quan cũng đẩy mạnh cải cách, trước hết là đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ DN về thông tin, thuận lợi hóa các công đoạn liên quan để mở rộng xuất khẩu.
Về phía DN, mỗi đơn vị thuộc những ngành hàng khác nhau cũng tự nghiên cứu, đưa ra biện pháp ứng phó hợp lý để khắc phục bất lợi, duy trì hoạt động xuất khẩu. Đơn cử, DN dệt may hiện đã “thấm” kết quả xuất khẩu không như ý năm 2016 (KNXK chỉ tăng hơn 4%) - mức thấp nhất trong 10 năm gần đây để nỗ lực hơn.
Theo ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành cần rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình trong tình hình mới, nhất là xét đến các yếu tố liên quan đến thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, DN phải lưu ý kết quả xuất khẩu có thể giảm sút so với kịch bản cũ - tức là không có sự hậu thuẫn, ưu đãi từ việc ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị về một số vấn đề, tình huống khác liên quan đến khả năng xuất khẩu của từng đơn vị nói chung để từ đó tìm biện pháp, điều chỉnh phù hợp. Trong đó có việc theo dõi sát tình hình, “nương” theo nhu cầu và khả năng nhập khẩu thực tiễn của các đối tác mà phân bổ nguồn lực, quyết định mức sản xuất phù hợp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.