(HNM) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vừa được 11 quốc gia ký kết tại Chile, mà Việt Nam là một thành viên tích cực, là mô hình hợp tác toàn diện, hứa hẹn mang lại những cơ hội có tính chất đột phá cho các bên tham gia.
Sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ có lợi thế xuất khẩu. Ảnh: Linh Ngọc |
Cơ hội đầu tư mở rộng quy mô
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tác động tương đối toàn diện đến tình hình xuất khẩu vì tạo ra cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu cho nhiều mặt hàng, sản phẩm chủ lực của Việt Nam; đặc biệt những nhóm hàng này đa số không trùng lắp với cơ cấu hàng của các thành viên nội khối CPTPP. Vì vậy, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi ngay khi CPTPP triển khai thực hiện và điều đó cũng có nghĩa hàng dệt may, da giày, thủy sản, thực phẩm chế biến... sẽ ít phải cạnh tranh trực tiếp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mặc dù CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mang lại điều kiện thuận lợi, nhưng hiệu quả đến đâu, tận dụng được bao nhiêu cơ hội còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị đầy đủ, thực chất và biện pháp triển khai cụ thể của từng doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Ngược lại, nếu không bảo đảm hoạt động sản xuất, phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các nhân tố tổng hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp không tạo được thêm nhiều giá trị gia tăng của mặt hàng xuất khẩu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, điều kiện thuận lợi chủ yếu do sự cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đó cũng là yêu cầu để Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tăng tốc độ thực hiện quá trình cải cách theo chuẩn mực, tiêu chí đã cam kết; từ đó chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, khung khổ pháp lý trong nước sẽ hoàn thiện, nâng lên ở mức độ hiện đại hơn và tương thích với chuẩn quốc tế. Vì vậy, thông qua việc tham gia các FTA chính là cơ hội để Chính phủ, các cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh trong nước.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, khi CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam có động lực để tăng trưởng tốt hơn. Dự báo, những điều kiện thuận lợi xuất hiện sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thêm khoảng 3 tỷ USD mỗi năm nhờ tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối.
Tương tự, sản phẩm da giày được coi là có thêm tiềm năng phát triển, với dự báo sẽ tăng thêm trên dưới 10%/năm nhờ được cắt giảm thuế quan - tức là gia tăng sức cạnh tranh trên một số thị trường quan trọng như Canada, Nhật Bản...
Cần chuyển biến nhanh và triệt để
Bên cạnh cơ hội, một số ít sản phẩm sẽ chịu sức ép khi Việt Nam thực hiện cam kết của CPTPP nói riêng, các FTA nói chung. Đơn cử, ngành mía đường, kể cả các hộ gia đình tham gia vào hoạt động này sẽ đứng trước nguy cơ thua cuộc. Nguyên nhân chủ quan là vì ngành này hoạt động kém hiệu quả, giá thành đường trong nước thường xuyên cao hơn so với nhiều nước trong khu vực nên khó có thể trụ vững.
Ngoài ra, một số sản phẩm thực phẩm chế biến cũng có thể rơi vào thế bất lợi tuy rằng không quá căng thẳng như ngành mía đường. Vấn đề đặt ra là những ngành này cần chủ động đánh giá tình hình, xác định hướng đi và biện pháp nâng cao năng lực trước sức ép từ doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng lưu ý, mục tiêu bảo hộ sản xuất và thị trường trong nước đang trở nên phổ biến, ngày càng đậm nét hơn trong cách hành xử của một số quốc gia. Chính phủ các nước gia tăng các biện pháp ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu như đưa ra quy định, quy chuẩn kỹ thuật rất khắt khe, phức tạp làm nản lòng nhà xuất khẩu nước ngoài; hàng rào kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, gắn liền với bảo vệ môi trường và nhân lực; tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng... Bên cạnh đó, số vụ khiếu kiện, tranh chấp thương mại có xu hướng gia tăng, trong khi doanh nghiệp Việt hầu như chưa “trưởng thành” trong cuộc đấu với doanh nghiệp "ngoại" nên thường lép vế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chủ động đàm phán, tiến tới ký kết các FTA đánh dấu sự nỗ lực, tầm nhìn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là những cơ hội tốt, kịp thời để nền kinh tế bứt phá, vươn lên; nhất là hướng tới mục tiêu tăng tốc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hướng tới sự phồn vinh, cũng như hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam sớm trở thành "con hổ kinh tế mới".
Cần xác định rằng, việc tham gia FTA luôn đòi hỏi sự phấn đấu, chuyển biến nhanh, linh hoạt và triệt để, đặc biệt là đòi hỏi sự vào cuộc từ các cơ quan điều hành vĩ mô đến doanh nghiệp trong tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại...
CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với thị trường 463 triệu dân. Việc tham gia CPTPP sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp rằng, lợi ích sẽ không tự đến nếu thiếu sự nỗ lực, tinh thần cầu thị vươn lên, cùng khả năng sáng tạo của mỗi đơn vị để vượt qua những khó khăn, thách thức, sự cạnh tranh khi tham gia sân chơi chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.