Nông nghiệp

Xuất khẩu rau, quả: Đột phá về chất lượng và đa dạng chủng loại

Đỗ Minh 04/07/2023 - 13:08

Rau, quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của ngành Nông nghiệp nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều mặt hàng giảm mạnh. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau, quả đạt 2,8 tỷ USD, gần bằng giá trị xuất khẩu của cả năm 2022 (năm 2022 đạt 3,3 tỷ USD). Giá trị những mặt hàng này gia tăng mạnh là do có sự đột phá về chất lượng cũng như đa dạng về chủng loại.

Điểm sáng trong xuất khẩu

Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, rau, quả là mặt hàng “bùng nổ” mạnh nhất trong xuất khẩu của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023. Chỉ tính riêng tháng 6-2023, xuất khẩu rau, quả đạt 1 tỷ USD. Đây là sự đột phá của mặt hàng này, bởi từ trước tới nay, kim ngạch xuất khẩu rau, quả bình quân mỗi tháng dao động khoảng 300 triệu USD.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa, trong 1 tháng, xuất khẩu rau, quả thu về 1 tỷ USD là con số kỷ lục, chưa từng có trong hơn 30 năm ngành hàng này tham gia xuất khẩu. Đến thời điểm này, cũng chỉ có nhóm hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD trong 1 tháng.

anh-sau-rieng.jpg
Sàu riêng là loại trái cây có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2023.

Nổi bật nhất trong nhóm hàng rau, quả là sầu riêng, loại trái cây có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất. Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt hơn 600 triệu USD, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 5-2023, phía Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu, nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số 293 và 115 cơ sở được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia, Anh... Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể đạt mốc 1 tỷ USD.

Ngoài sầu riêng, xuất khẩu bưởi da xanh sang Mỹ cũng đang thuận lợi; xuất khẩu chuối, thanh long sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay Malaysia cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Quan Huy cho biết, công ty xuất khẩu nhiều loại trái cây, song chủ lực vẫn là chuối. Chuối xuất khẩu nhiều ở các thị trường quan trọng, như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản với mức tăng trưởng hơn 30% so với năm trước.

Hiện tại, nhiều loại trái cây của Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ, nên xuất khẩu rau, quả được cho là còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Điển hình như các loại trái cây: Vú sữa, chôm chôm…, gần như có thể sản xuất quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và giá bán cũng cao gấp nhiều lần. Chỉ riêng 5 loại trái cây: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm hơn 62% tổng diện tích thu hoạch và sản lượng rải vụ chiếm hơn 54% tổng sản lượng. Đáng chú ý, các loại quả này đều được xuất khẩu sang những thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng cao.

qua-na-xk.jpg
Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chú trọng xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đánh giá về thành công của nhóm ngành hàng rau, quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hầu hết các vùng trồng rau, quả đã tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo quy trình nông nghiệp xanh, đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội). Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh khâu chế biến để nâng cao sản lượng hoa, quả xuất khẩu đã qua chế biến. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đã qua chế biến đạt hơn 550 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Từ những đột phá về chất lượng và đa dạng chủng loại, ngành rau, quả kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này đạt từ 4 đến 5 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu rau, quả Việt Nam vẫn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu mặt hàng rau, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam cần khai thác dư địa từ thị trường EU. Đặc biệt, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau, quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) Hạ Thúy Hạnh, các doanh nghiệp cần liên kết nông dân, hợp tác xã hình thành vùng trồng bảo đảm chất lượng, có chứng nhận mã vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc… theo tiêu chuẩn quốc tế.

bo-xk.jpg
Nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như trái bơ đang được đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tham tán xây dựng chiến lược cụ thể tại từng thị trường, mặt hàng để có định hướng từ sản xuất đến cung ứng. Thị trường xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sẽ phân khúc đều các châu lục, có trọng điểm. “Bài toán vẫn tập trung ở sản xuất sạch, xanh, đáp ứng đúng tiêu chí và sự phát triển của thị trường thế giới. Có như vậy, rau, quả Việt Nam mới định vị được vị trí bền vững trong chuỗi cung ứng rau, quả cho thế giới”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện nay, thì Việt Nam có thể cán đích 5 tỷ USD ngay trong năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu rau, quả: Đột phá về chất lượng và đa dạng chủng loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.