Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ thêm đột phá trong xuất khẩu trái cây

Đỗ Minh| 17/11/2022 09:39

(HNMO) - Trái cây đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam. Đặc biệt, Mỹ, EU, Nhật Bản… là nhóm thị trường tiềm năng, song yêu cầu về chất lượng rất nghiêm ngặt. Do đó, để phát huy giá trị mặt hàng này, cần sự đột phá về chất lượng, chế biến...

Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Ngô Chuẩn

Nhiều thị trường tiềm năng

Tháng 10-2022, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đáng chú ý, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn xuất khẩu sang Mỹ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu trái cây lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất mạnh (12 triệu tấn/năm). Hiện, sản xuất trái cây tươi tại Mỹ đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại là nhập khẩu. Đây là dư địa lớn cho trái cây Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, mới đây, quả chuối được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 Nghị định thư về xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối. 

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Gia Lai Đinh Văn Tĩnh cho biết, đến nay, hầu hết sản phẩm trái cây của công ty được xuất khẩu tới các nước: Đức, Hà Lan, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Australia, Trung Quốc… “Đây là khối thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng cao, nếu các doanh nghiệp đáp ứng và tuân thủ quy định trong sản xuất, chế biến, đóng gói thì nhóm thị trường này tạo giá trị gia tăng lớn cho mặt hàng trái cây Việt Nam”, ông Đinh Văn Tĩnh nhấn mạnh.

Trái cây đang là "mặt hàng tỷ đô" của nông sản Việt Nam. Thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam ngày càng được mở rộng cho thấy dư địa của mặt hàng này rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu trái cây vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt gần 2,8 tỷ USD (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu rau quả giảm so với năm trước do Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt, việc nhập khẩu hàng hóa cần nhiều thời gian; tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia... Ngoài ra, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam. “Hiện, ngành rau quả nỗ lực cán đích xuất khẩu năm nay đạt 3,2 tỷ USD, các doanh nghiệp đang tăng tốc, đáp ứng nhu cầu lớn dịp cuối năm ở nhiều nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Tăng cường chế biến

Để tăng giá trị cho ngành hàng trái cây xuất khẩu, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao khả năng chế biến vì nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này rất cao.

“Đơn cử, mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu rau, củ, quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu rau, củ, quả toàn cầu. Song, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần EU đang nhập khẩu. Bên cạnh đó, 70% trái cây xuất khẩu sang Mỹ là quả tươi, trong khi nhu cầu về trái cây chế biến tại các quốc gia rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.

Thực tế cho thấy, những năm qua, xuất khẩu trái cây Việt Nam đang đi đúng hướng khi hầu hết doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, tăng khả năng chế biến; mở rộng, khai thác nhiều thị trường lớn, giá trị cao. Xuất khẩu trái cây Việt Nam đang chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Tuy vậy, vẫn cần thêm đột phá trong xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Bộ cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật giám sát chặt chẽ các vùng trồng, hướng dẫn doanh nghiệp địa phương sản xuất đúng tiêu chuẩn; tập trung khảo sát, kiểm tra, mở rộng cấp mã cho các vùng trồng đạt chất lượng cao để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu quả tươi. Ngoài ra, Bộ sẽ kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản có quy mô, trang thiết bị phù hợp đặc tính từng loại rau quả... 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương phân tích, đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do. Còn về phía các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh công nghệ số trong sản xuất và kết nối thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ thêm đột phá trong xuất khẩu trái cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.