Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu nông sản: Vẫn những khó khăn cũ

Đào Huyền| 17/02/2016 06:46

(HNM) - Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã qua một năm gặp nhiều khó khăn khi giá trị các mặt hàng chủ lực như: Gạo, cà phê, thủy sản… giảm đáng kể.

Bộ NN&PTNT cho biết, tháng đầu tiên của năm 2016 đã ghi nhận hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 2,3 tỷ USD, trong đó: Gạo xuất khẩu đạt 495.000 tấn với giá trị 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê đạt 149.000 tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, tăng 8% về khối lượng; hạt điều đạt 24.000 tấn, tăng 9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị. Trong các mặt hàng nông sản, xuất khẩu thủy sản đang có nhiều dấu hiệu khả quan nhất khi giá tăng nhẹ và nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn khá tốt. Đặc biệt, với việc khơi thông nhiều thị trường khó tính sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu trái cây trong năm nay…

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Nhà máy Đông lạnh Sông Giang. Ảnh: Như Ý


Tuy vậy, dưới góc độ của các nhà nghiên cứu thị trường, chính sách và bối cảnh tiêu dùng của thế giới cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục đối diện những khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), hạn chế lớn nhất là chất lượng, xuất khẩu thô và không làm chủ được thị trường. So với các nước, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, thậm chí chi phối cả thị trường thế giới như hạt điều chiếm 50% thị phần điều thế giới; xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Ba mặt hàng nông sản này của Việt Nam góp phần không nhỏ trong sự điều tiết chung thị trường thế giới. Song, giá trị thu về thấp do xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường với các doanh nghiệp Việt Nam cũng hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế trên, tạo sự bứt phá mới, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết, trong năm nay, ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu… đơn cử như khai thác lợi thế xuất khẩu rau, quả. "Chúng ta đã mở được nhiều thị trường mới trong năm qua để xuất khẩu các loại trái cây như vải thiều, thanh long, nhãn, xoài sang một số thị trường khó tính. Hiện các thị trường này |đã ổn định, nên chắc chắn trong năm 2016 các mặt hàng xuất khẩu này sẽ tăng lên" - ông Trung cho biết. Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, triển vọng xuất khẩu nông sản khó có thể tăng đột biến trong năm nay, do đó muốn cạnh tranh được, cần phải tạo lợi thế, tìm ra phân khúc thị trường tốt và phù hợp…

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong năm nay một số hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, để cạnh tranh sòng phẳng trong xuất khẩu nông sản, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, phải đặc biệt quan tâm việc cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sản xuất nông nghiệp phải đối diện rất nhiều khó khăn nhưng lại là ngành kinh tế chủ chốt, có lợi thế của nền kinh tế nước nhà, do đó cần rà soát và chủ động đề xuất cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, dứt khoát ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu, xác định những mặt hàng chủ lực qua đó có chiến lược xây dựng, mở rộng và phát triển sản xuất. Cùng với đó đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản; gắn sản xuất với tiêu thụ theo một chuỗi khép kín. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện không phải sản xuất để cung ứng trong nước mà để xuất khẩu, tạo ra những giá trị kinh tế lớn. Ngành Nông nghiệp một mặt phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu; mặt khác cần phải thực hiện tốt việc bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người sản xuất bằng những biện pháp, hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế…

Tổng Giám đốc Angimex (An Giang) Nguyễn Văn Tiến:
Gạo Việt Nam chưa có thương hiệu

Khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới hạn chế do gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. Vấn đề đặt ra là, Chính phủ cần định hướng hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý cũng như nguồn vốn để xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; dứt khoát phải có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong khâu sản xuất, bởi việc sản xuất khép kín, sạch, sử dụng công nghệ chế biến khoa học, không độc hại thì mới nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu. Nếu để nông dân tự chọn, tự xử lý hoặc tự làm lấy theo cách truyền miệng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn An, tỉnh Bình Thuận:
Có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp

Hoa quả đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng để xuất khẩu được sang các thị trường "khó tính" cần sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp liên kết cùng nông dân còn ít nên nông dân vẫn phát triển tự phát, tự do buôn bán chứ ít có doanh nghiệp thu mua cùng liên kết. Mặt khác, thời tiết không thuận lợi, tỷ giá biến động, ngoài ra có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau đã kéo giá trị xuất khẩu nông sản tuột dốc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu nông sản: Vẫn những khó khăn cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.