(HNM) - Trong khi một số cửa khẩu sang Trung Quốc những ngày qua đã thông quan trở lại thì các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lại quyết định đóng cửa biên giới. Như vậy, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Nỗ lực vượt khó, tìm hướng đi mới là yêu cầu đặt ra để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...
Trong vòng xoáy của dịch Covid-19
Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản có sự sụt giảm khá mạnh như: Cá tra giảm 27,4%; hạt điều giảm 17,4%; rau quả giảm 11,9%... Hiện, tỉnh Bình Định còn khoảng 600 tấn cá ngừ đại dương chưa thể “lên đường” sang châu Âu. Dự báo trong tháng 3 này, khoảng 10.000 tấn tôm cũng sẽ gặp khó trong xuất khẩu. Rồi 48.000 tấn ớt đang vào vụ thu hoạch vẫn đang tìm thị trường tiêu thụ…
Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của nước ta như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cam… đang gặp nhiều khó khăn. "Thị trường chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, Malaysia, nhưng từ đầu năm đến nay, 70% lượng trái cây không xuất khẩu được. Chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ từ các hiệp hội, hệ thống bán hàng để tiêu thụ trong nước", bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Định (Cần Thơ) cho biết.
Phân tích về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thời điểm cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc (thị trường lớn nhất - ngang với thị trường Mỹ, đều chiếm tỷ trọng 23,8%), dẫn đến nhiều mặt hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu. Đồng thời thông tin, theo dự báo của các chuyên gia, các nhà phân tích, đầu tư, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới xuất nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới về trung hạn.
Trong vòng xoáy của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu cố hữu. Đó là trồng trọt, chăn nuôi tự phát, chưa theo quy hoạch và không gắn với chế biến, phát triển và xây dựng thương hiệu kém. "Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất. Hay nói cách khác, nông sản của nước ta vẫn đang trong tình trạng bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần...", Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam phân tích.
Tìm hướng đi mới cho nông sản Việt
Trong những ngày vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản tồn dư do không thể xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp; hướng dẫn một số địa phương đang trồng dưa hấu, thanh long chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ (về mặt ngắn hạn) hơn, như đậu tương, ngô, rau... Song song đó, Bộ NN&PTNT vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để phát triển thị trường tại các địa phương của quốc gia này vào một thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh được kiểm soát, được dự báo là cuối tháng 3 đầu tháng 4 này.
Tại hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch Covid-19 tổ chức tháng 2-2020, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ có những giải pháp mới như việc tạo cơ chế để các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch (với thị trường Trung Quốc) và nâng cao chất lượng sản phẩm để thỏa mãn yêu cầu của những thị trường kỹ tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy việc xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,1% do không phụ thuộc vào khách hàng truyền thống mang tính chi phối là một bài học quý cho các ngành hàng khác trong việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Về phía các doanh nghiệp - chủ thể của hoạt động xuất khẩu, không có cách nào khác là phải chủ động, năng động hơn trong phát triển thị trường. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Ðàng (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Ðạo chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Rất may là chúng tôi đã kịp mở rộng sang các thị trường mới, nên các đơn hàng bắt đầu có sự phục hồi...”.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường, các doanh nghiệp cần phát triển bài bản và chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch để có thể phát triển bền vững. "Dự kiến ngày 13-3, công ty có đơn hàng 10.000 bông hoa cúc xuất sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chiều 11-3, chúng tôi được thông báo là các hãng hàng không ngừng nhận mặt hàng này. Khi hủy hợp đồng, phía đối tác Nhật Bản sẽ đền bù 100% giá trị đơn hàng, khoảng trên 100 triệu đồng. Dịch bệnh là vấn đề bất khả kháng, nên công ty cùng chia sẻ rủi ro với đối tác, không tính đền bù để còn hợp tác lâu dài. Số hoa đó được công ty tiêu thụ tại thị trường trong nước, vì chúng tôi cũng đã lên phương án dự phòng", ông Nguyễn Xuân Trường cho biết.
Trong vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dịch Covid-19 đã mang lại một "áp lực tích cực", buộc ngành Nông nghiệp nhận thức rõ hơn những hạn chế để khắc phục và có hướng đi mới cho sự phát triển trước mắt cũng như dài hơi: Nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…
Áp lực từ dịch Covid-19 buộc ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tìm kiếm những thị trường mới; chế biến gắn với xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại thay vì xuất khẩu sản phẩm thô... Thách thức đang ở phía trước, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.