(HNM) -
Bức tranh "tối"…
Mới đây Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã công bố kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu của nạn nhân bị buôn bán, bóc lột lao động trở về nước. Đối tượng được khảo sát là những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong giai đoạn từ 2009-2012, tại 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Hầu hết người lao động (NLĐ) đi XKLĐ đều có trình độ thấp (54,7% học THCS, 33,7% học THPT), hơn 50% là nông dân và buôn bán nhỏ trước khi đi nên những đối tượng này trở thành nạn nhân của môi giới và "cò". Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị L. (Ba Vì, Hà Nội) được đưa đi làm giúp việc tại Ả rập Xê út. Khi sang tới nơi chị bị bán vào một nhà chứa. Do đã quá tuổi nên chị thường xuyên bị đánh đập. Rất may, chị tình cờ gặp một cán bộ ngoại giao và được vị này cứu khỏi nơi giam cầm.
Người lao động luôn mong muốn được đi xuất khẩu lao động một cách hợp pháp, an toàn.
"Để được đi làm ở Quata, gia đình đã nộp phí môi giới 7.000 USD, dù chưa có visa nhưng DN vẫn đưa người sang nước này làm việc. Làm được 3 tháng DN gọi người nhà lên trả lại 2.000 USD vì không làm được visa. Không có visa tức là cư trú bất hợp pháp, không biết ở bên đó cậu ấy xoay xở thế nào. Nộp 7.000 USD mà vẫn phải đi xuất khẩu lao động "chui" - "Người nhà của anh N.T.N phản ánh. Kết quả khảo sát của CSAGA cũng cho thấy, trong số 55 trường hợp nói trên, số nạn nhân do mua bán người tại Lybia là 20 người, Đài Loan là 17 người, còn lại là lao động ở Nhật Bản. Nhóm dễ bị trở thành nạn nhân của việc mua bán người chủ yếu là nhóm trình độ học vấn thấp (chiếm 43,75%) và là nông dân. Phần lớn người làm thủ tục đi XKLĐ qua "cò" và môi giới, không giao dịch trực tiếp với công ty được phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, có tới 23,5% NLĐ không nhận được thông tin đầy đủ về công việc sẽ làm tại nước đến; 24,14% NLĐ không biết chi phí thực tế của chuyến đi cũng như chi phí bồi thường. Có 93,56% NLĐ bị lừa gạt ít nhất một lần trong quá trình làm việc ở nước ngoài và trong nước, trước khi đi XKLĐ là 66,77%. Đáng lo ngại là phần lớn thủ tục, giấy tờ, tiền thực nộp không minh bạch.
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc
Theo bà Nguyễn Thị Văn - thành viên của CSAGA thì: "Đa phần những người này trước khi đi XKLĐ đều không biết mình là nạn nhân của bóc lột lao động, lừa đảo và buôn bán người. Chỉ sau khi đến nước bạn, bị bóc lột, bị phá vỡ hợp đồng lao động mới biết mình đã bị lừa đảo". Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, chính NLĐ cũng không biết mình bị lừa. Số nạn nhân bị lừa đảo, đến nay cũng không thể biết chính xác, vì bản thân nạn nhân cũng không muốn tiết lộ thân phận của mình.
CSAGA khẳng định 55 lao động được khảo sát là nạn nhân của nạn buôn người. Theo bà Vân Anh, khái niệm về buôn bán người của Tổ chức Liên hợp quốc trong Nghị định thư Palermo 2000 là: "Buôn bán người là quá trình tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người bằng cách thức đe dọa, hoặc bắt cóc, lừa gạt, hay bằng việc cho và nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với người khác với mục đích bóc lột". Và như vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm (hình sự, dân sự) của đơn vị, cá nhân gây ra hành vi ấy. CSAGA cũng khuyến cáo hiện nay có một bộ phận lớn người tham gia XKLĐ đang trở thành con mồi cho những kẻ lừa đảo. Trong khi đó, họ chưa được công nhận là nạn nhân của buôn bán người và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết theo quy định của Việt Nam. Ông Trần Huy Liệu - quyền Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Phòng chống mua bán người đã gần như nội địa hóa hoàn toàn Nghị định thư Palermo về buôn bán người và sẽ là căn cứ để xử lý hành vi buôn bán người. Hiện Bộ Công an đang soạn thảo văn bản xác định "thế nào bị coi là nạn nhân của buôn bán người". Ngay sau khi văn bản này ra đời sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối với những hành vi trên.
Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có 172 doanh nghiệp XKLĐ được cấp phép theo pháp luật. NLĐ đi theo đường chính ngạch thì gần như không có chuyện bị bóc lột, hay lừa đảo. Theo các chuyên gia lao động thì dù NLĐ có lỗi vì đi theo đường môi giới, trung gian nhưng khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước đối với việc tuyển chọn LĐXK của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh những cá nhân, công ty tuyển dụng/môi giới không đúng pháp luật quy định. Đối với địa phương, cần trang bị thêm kỹ năng nhận diện và hỗ trợ nạn nhân của tệ nạn buôn bán người và nạn nhân buôn bán lao động cho cán bộ lao động các cấp, cán bộ trợ giúp pháp lý…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.