Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu hàng dệt may vào EU: Hiểu thấu đáo mới có thể tăng thị phần

Thanh Hiền| 06/10/2015 06:59

(HNM) - Kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may (DM) Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng khá, dự báo cả năm 2015 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,4%... nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA Việt Nam - EU) có hiệu lực sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng XK DM Việt Nam sang EU mạnh hơn, nếu các doanh nghiệp (DN) DM đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường này.


Mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại, nhưng EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng số 500 triệu người tiêu dùng, bình quân GDP trên đầu người lên tới 25.000 EUR và là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Riêng với ngành DM, Việt Nam hiện là nhà XK may mặc lớn thứ 6 tại Châu Âu, chiếm 3% thị phần. Tuy đây là con số tương đối khiêm tốn nhưng cần phải chú ý rằng chỉ cách đây 3 năm, Việt Nam vẫn đang xếp thứ 9 trong tổng số 10 nước XK may mặc tại khu vực và chỉ chiếm 2,5% thị phần. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của ngành DM Việt Nam XK tại Châu Âu tăng nhanh và giữ ổn định trung bình 15%/năm trong 5 năm gần đây.

Như vậy, theo tính toán, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, mức tăng trưởng kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng hơn 17%/năm. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, FTA Việt Nam - EU sẽ mang lại lợi thế cho cả hai bên, đồng thời có thể tận dụng được lợi thế của nhau, chứ không nhất thiết phải cạnh tranh đối đầu. Việt Nam có lực lượng lớn thợ tay nghề cao, trong khi Châu Âu có nhiều nhà thiết kế thời trang cao cấp, cùng hệ thống phân phối và marketing quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, ngoài những ưu đãi về thuế, việc Chính phủ Việt Nam cải cách chính sách và quy định nội địa theo yêu cầu của Hiệp định sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các DN Việt Nam và Châu Âu hợp tác sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, cùng với lợi thế cạnh tranh mà DN Việt Nam được hưởng từ việc cắt, giảm thuế quan XK, tăng khả năng cạnh tranh DN, thì ngược lại, EU cũng đã dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật. Theo Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công thương), khó khăn đối với DN XK vào EU trước hết xuất phát từ thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng khác nhau. Trong khi đó, hàng hóa vào thị trường EU lại được lưu thông trên toàn bộ 28 nước. Như vậy, việc tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm vào được một nước phải thích ứng với 27 nước còn lại, là một thách thức không đơn giản với các DN Việt Nam. Chưa kể, thị trường EU có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường.

Để được nhập khẩu vào EU, sản phẩm DM Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, cũng như an toàn sản phẩm, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt, bao bì và chất thải từ bao bì, thiết kế, thiết bị bảo hộ… Đặc biệt, DM lại thuộc ngành Công nghiệp sử dụng nhiều hóa chất. Các loại vải, sợi, quần áo và các phụ kiện DM đều có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau như thuốc nhuộm, thuốc tẩy… Việc cập nhật thông tin của các DN còn nhiều hạn chế, chính sách bảo hộ sản xuất nội khối của EU, sự khác biệt giữa hai hệ thống quản lý quy chuẩn và tiêu chuẩn giữa Việt Nam và các nước EU… cũng làm tăng nguy cơ gặp phải rủi ro trong XK.

Do đó, việc tăng trưởng XK quá nhanh đối với mặt hàng nào vào EU cũng có thể đưa đến những hậu quả không mong muốn là bị EU tiến hành các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Cảnh báo của các chuyên gia cũng cho thấy, hiện năng lực kiểm định sản phẩm DM của các tổ chức trong nước không đáp ứng những quy định về quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặc dù được đầu tư về năng lực thử nghiệm, trang thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý, nhưng các tổ chức thử nghiệm trong nước vẫn gặp một số trở ngại để được công nhận kết quả thử nghiệm ở thị trường các nước nhập khẩu, đặc biệt tại hai thị trường XK chủ lực là EU và Mỹ.

Để có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường EU, DN DM Việt Nam không có cách nào khác là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế, như thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU. Theo các chuyên gia, DN Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào việc đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tại EU, tạo thương hiệu quốc gia và tập trung vào sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các quy định kỹ thuật an toàn vệ sinh…

Về phía các cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích đầu tư ngành Công nghiệp phụ trợ, cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất cho DN "nội". Các DN DM cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý kỹ thuật cho chất lượng các nguyên liệu sản phẩm và hàng hóa DM, đồng thời tăng cường minh bạch hóa thông tin cho mọi đối tượng áp dụng, cụ thể nhất là sửa đổi Thông tư 32/2009/TT-BCT theo hướng tạo điều kiện cho DN XK DM hoạt động hiệu quả hơn. Có như vậy, sản phẩm DM Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu hàng dệt may vào EU: Hiểu thấu đáo mới có thể tăng thị phần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.