(HNMCT) - Năm nay mùa xuân đến sớm! Những ngày xuân gian khó cùng những cái Tết buồn đã qua đi. Dẫu dịch bệnh chưa dứt hẳn nhưng tinh thần quyết tâm của các lực lượng chức năng và người dân đã đẩy lùi dịch bệnh. Nhớ những ngày cả Hà Nội căng mình chống dịch. Tuy còn những bất tiện, nhưng chỉ có cách đó Thành phố mới giữ được sự thanh sạch, mới bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân.
Lại nhớ những ngày mùa đông năm 1972. Đã nửa thế kỷ trôi qua. Đó là những ngày đông giá lạnh, Hà Nội quyết liệt chống chọi với “pháo đài bay” B52. Trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ cuối năm 1972, Hà Nội đã vững vàng. Hà Nội là niềm tin và hy vọng. Trong 12 ngày đêm ấy, cả nước hướng về Hà Nội, lo lắng cho Hà Nội và cùng chung nhịp đập với “trái tim hồng”.
Trong ký ức của tôi, những ngày cuối tháng 12-1972 cực kỳ sôi động. Đất và người Hà Nội đã sống những ngày quyết liệt, đã sống những ngày cho ra sống, xứng đáng là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Tâm trí tôi còn lưu mãi hình ảnh buổi sáng ngày 18-12-1972. Trên khắp các đường phố Thủ đô những chiếc xe com măng ca gắn loa phóng thanh trên nóc chạy hối hả. Từ loa phóng thanh vang lên giọng nói vừa cương quyết vừa ân cần nhắc nhở, yêu cầu mọi người dân không có phận sự nhanh chóng rời thành phố. Chỉ có những người trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu mới được ở lại.
Sau này, tôi có vinh dự được phỏng vấn nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân, người lãnh đạo cao nhất của thành phố ở thời điểm đó, được nghe về quyết định có tính lịch sử ấy. Đồng chí Nguyễn Văn Trân cho biết: Thường vụ Thành ủy đã tiến hành họp gấp và quyết rất nhanh. Theo đó, Thành phố huy động mọi phương tiện từ tàu điện, tàu hỏa, xe ca, xe tải, xe khách để đưa nhân dân đi sơ tán. Tiếng loa vận động, kêu gọi mọi người tạm thời rời trung tâm thành phố để tránh thương vong vang lên khắp phố phường Hà Nội. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến chuyện làm việc và học tập của người dân nên Thành phố chủ trương tổ chức sơ tán theo khối. Các cơ quan sơ tán theo cơ quan, các trường học sơ tán theo trường, theo lớp. Cách thức này rất hay và linh hoạt. Ví dụ như cả lớp học cùng lên xe về nơi sơ tán, bố sơ tán theo cơ quan bố, mẹ theo cơ quan mẹ. Đồng chí Nguyễn Văn Trân còn nói thêm: “Thành phố đã chủ động cử cán bộ tỏa về các tỉnh, các địa phương để cùng phối hợp thực hiện. Trong đó, tập trung đưa nhân dân về sơ tán tại tỉnh Hà Tây, vừa gần lại không lo chuyện cầu phà. Cán bộ và nhân dân các địa phương rất tốt, đã tiếp nhận và lo chu đáo nơi ăn ở, học tập cho nhân dân Thủ đô”.
Cuộc sơ tán lớn nhất diễn ra trong một thời gian ngắn nhất. Chỉ trong ngày 18-12-1972, đã có 20 vạn người rời khỏi nội thành. Có thể nói đó là “cuộc sơ tán thần kỳ”, “cuộc sơ tán lịch sử” đã giúp cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô đạt thắng lợi huy hoàng. Tổn thất về người giảm tối đa. Và Hà Nội đã vững tin, vững chắc.
Bài học từ nửa thế kỷ trước đã được lãnh đạo thành phố thực hiện triệt để trong những tháng ngày Hà Nội cùng cả nước chống đại dịch Covid. Quyết liệt đi kèm với vận động, chống dịch đi đôi với ngăn chặn. Tuy dịch bùng phát nhanh và mạnh nhưng Hà Nội đã hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người. Tính mạng của người dân - “sức khỏe” của Thủ đô thêm một lần được đảm bảo.
Năm nay mùa xuân đến sớm!
Ai cũng nói như thế. Chỉ nghe thôi đã thấy lòng người hồ hởi đến như thế nào. Tâm trí tôi lại náo nức trở về cái Tết năm 1973. Đã tròn 50 năm nhưng trong tôi vẫn sống động hình ảnh cùng những âm thanh ngày chiến thắng.
Từ chiều tối ngày 27-1-1973, cả thành phố Hà Nội cùng “nín thở” chờ tin chiến thắng. Cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp đã qua nhiều năm tháng cam go và căng thẳng. Tưởng như đã đạt được thỏa thuận và Hiệp định Paris cuối cùng cũng được ký kết, nhưng cuối tháng 10-1972, phía Mỹ lại tráo trở, ngừng đàm phán và quyết định dùng “con ngáo ộp” B52 trực tiếp ném bom rải thảm Hà Nội với ý đồ buộc chúng ta phải nhượng bộ những đòi hỏi phi lý của họ. Và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã khiến người Mỹ phải quay lại ngồi vào bàn đàm phán. Chiến công của quân và dân Thủ đô Hà Nội đã buộc chính quyền Mỹ phải đặt bút ký Hiệp định Paris vào chiều ngày 27-1-1973 giờ Paris, tức tối hôm đó theo giờ Việt Nam.
Tin tức về lễ ký bay về làm nức lòng người Hà Nội. Buổi tối ngày hôm đó, cả Hà Nội lại dậy lên những tiếng nổ. Nhưng đó là những tiếng pháo “ăn mừng” chiến thắng. Người Hà Nội từ mấy tháng trước đã âm thầm bảo nhau chuẩn bị thật nhiều bánh pháo Tết. Pháo nổ khắp phố, pháo nổ ở mọi nhà. Tiếng pháo rền vang, cả Hà Nội reo mừng thắng lợi. Tôi cũng không nhớ năm đó mình đã đốt bao nhiêu bánh pháo nữa. Tiếng pháo vang rền có lẽ đến suốt đêm.
Tiếng pháo vang rền trời Hà Nội lại rền vang trong đêm giao thừa đón xuân Quý Sửu 1973. Ngày đầu năm mới Quý Sửu thật vô cùng ấn tượng. Đường phố Hà Nội ngập trong sắc đỏ của xác pháo mừng xuân. Đường phố Hà Nội bừng trong sắc đỏ hoa đào ngày Tết. Người Hà Nội ùa ra đường chơi xuân, trên tay là những cành đào Nhật Tân tươi thắm. Cả một rừng hoa lớp lớp chuyển động trên đường phố. Tôi đã ngỡ Hà Nội có bao nhiêu cành đào đều được người Hà Nội mang xuống phố. Tôi đã nghĩ: “Hoa đào Tết năm nay đẹp nhất, hồng thắm nhất”.
Nửa thế kỷ hào hùng của người Hà Nội đã đi qua. Thời gian như một chuyến tàu tốc hành hướng về nơi ánh sáng. Mùa xuân năm 2023 này, Tết Quý Mão này, người Hà Nội như có thêm niềm vui. Trong khí thế chiến thắng dịch bệnh có âm hưởng chiến thắng hung tàn của 50 năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.