(HNMO) - Thông tin về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản; qua đó xử phạt 34,6 tỷ đồng các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra về hoạt động kinh doanh bất động sản. Các kết luận thanh tra đã chỉ ra các vi phạm, đã kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 5,4 tỷ đồng.
Hằng năm, với định hướng của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thanh tra liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9-2022, các địa phương đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 29,2 tỷ đồng.
Có 5 sai phạm chính qua thanh tra, kiểm tra được phát hiện. Một là, kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính; bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng. Hai là, tổng số tiền thu các đợt của khách hàng mua nhà trước khi bàn giao nhà vượt tỷ lệ quy định mà không có thỏa thuận với khách hàng; tính diện tích căn hộ không theo kích thước thông thủy; chậm thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng theo thời hạn quy định. Ba là, bố trí diện tích dành cho nhà ở xã hội không bảo đảm tỷ lệ 20% theo quy định. Bốn là, chuyển nhượng toàn bộ dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Năm là, không công bố thông tin về dự án theo quy định; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về tình hình kinh doanh bất động sản với Sở Xây dựng địa phương.
Song song với việc tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tổ chức các Đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương. Theo đó, từ năm 2018 đến tháng 10-2022, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã tổ chức 15 Đoàn kiểm tra tại các địa phương: Bắc Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Giang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Bình Định. Qua đó, đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về quản lý thị trường bất động sản, đề nghị các địa phương khắc phục.
Cụ thể: Một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm triển khai nhưng chưa được đôn đốc thực hiện hoặc chưa có hướng xử lý phù hợp, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến diện mạo đô thị; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong các dự án nhà chung cư chưa được các chủ đầu tư thực hiện đúng thời gian quy định, thường kéo dài gây bức xúc cho các chủ sở hữu nhà chung cư; các địa phương thực hiện chưa nghiêm quy định về công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định; còn tồn tại tình trạng không công khai, minh bạch trong thực hiện các giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản; tình trạng các nhân viên môi giới của các sàn chưa có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; tình trạng huy động vốn, mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện còn diễn ra tại một số dự án, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.