(HNMO) - Sáng 12-5, phát biểu tiếp thu các vấn đề đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nêu tại phiên chất vấn về các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, phiên chất vấn đã thể hiện, nêu rõ những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, cử tri với lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp cần có cái nhìn toàn diện; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp cần rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND thành phố xem xét…
Phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, các vấn đề đại biểu nêu đúng và trúng, được cử tri quan tâm. Qua đó chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện nhận diện rõ để có giải pháp giải quyết triệt để. Với các vấn đề chưa được trả lời thấu đáo, UBND thành phố sẽ giao các đơn vị trả lời cụ thể bằng văn bản.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết thêm, nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản; thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện. Cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đầy đủ, kịp thời với lĩnh vực này. Phiên chất vấn đã thể hiện, nêu rõ những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, cử tri với lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố còn nông dân, tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất cả nước với 383 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Trong năm 2023, thành phố quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới với tất cả các huyện.
“Đây là kết quả quyết tâm của bà con nông dân, sự quan tâm, đầu tư đầy đủ của thành phố. Nông nghiệp tăng trưởng được 1,2% rất khó nếu không có đột phá về mô hình, phương thức sản xuất. Chúng ta tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-5% là nỗ lực rất lớn”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Dù vậy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn chỉ rõ, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, song thực tế công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.
Đối với các vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp do quy định trong Luật Đất đai và đang được sửa đổi, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đi hướng nào cũng cần có sự nghiên cứu của chuyên gia, hướng dẫn cụ thể, quy hoạch rõ ràng. Nếu chỉ làm theo cảm tính, có thể có hiệu quả trong ngắn hạn như xây nhà kính tràn lan sẽ làm biến dạng khí hậu thổ nhưỡng. Vì thế, đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố phân tích cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện.
Minh chứng cho việc này, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: "Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố lập tổ công tác, bay flycam ở 6 quận, huyện ven sông, chỉ rõ các vi phạm để xử lý. Không phải chờ báo chí phản ánh mới làm. Xử lý nghiêm các vi phạm, không cần rầm rộ truyền thông lấy thành tích”.
Về các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị cần rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND thành phố xem xét.
Đề cập đến dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở xã Bình Minh (huyện Thanh Oai), Chủ tịch UBND thành phố phân tích rõ: “Thành phố đầu tư 100 tỷ đầu tư hạ tầng, giờ bảo nhà đầu tư trả 100 tỷ cho thành phố rồi đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc, thì không thu hút ai làm. Vì thế, phải có cách làm khác, chẳng hạn cho thuê, chỉ lấy tiền khấu hao. Quan trọng, phải thay đổi cách thức tiếp cận mới có kết quả. Chuyển đổi là cả quá trình bền bỉ lâu dài”.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, không chỉ cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, mà phải hỗ trợ cả từng hộ giết mổ khi tham gia khu giết mổ gia súc tập trung. Cần tổng thể cơ chế chính sách, cùng nhau đẩy nhanh tiến trình chuẩn hóa quá trình giết mổ gia súc, gia cầm. Trong tháng 7-2023, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố tổng thể các vấn đề này.
“Phiên chất vấn rất hiệu quả, tôi cũng học hỏi được nhiều việc”, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.