Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các di tích trên địa bàn Hà Nội: Tránh để “sự đã rồi”

Nguyễn Thanh| 17/07/2020 05:33

(HNM) - Xây dựng công trình không phép, trái phép trong khu vực bảo tồn di tích; tu bổ, tôn tạo không tuân thủ trình tự, thủ tục... diễn ra tại không ít địa phương của Hà Nội thời gian qua, ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Hiện tượng này đặt ra bài toán cho công tác quản lý, trong đó cần đề cao tính hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát, nhằm hạn chế tối đa “sự đã rồi” trong hoạt động xây dựng và trùng tu, tôn tạo di tích.

Muôn kiểu xâm hại di sản

Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động chủ đầu tư chủ động tháo dỡ, khắc phục vi phạm trong trật tự xây dựng tại khu vực I - di tích Làng cổ Đường Lâm (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), mới đây, UBND thị xã Sơn Tây đã lên kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa những trường hợp bất hợp tác, nhằm phục hồi nguyên trạng cảnh quan, không gian di tích.

Một công trình vi phạm trật tự xây dựng trong khu vực I, di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Miên Hạo

Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Ðường Lâm Nguyễn Trọng An, có 4 công trình cần cưỡng chế đợt này, trong đó mỗi vi phạm một kiểu khác nhau. Ví dụ như tự ý xây dựng, sửa chữa không xin phép cơ quan chức năng; có giấy phép xây dựng, sửa chữa, nhưng thực hiện không đúng thiết kế. Hầu hết những vi phạm này xảy ra từ cuối năm 2019 và gây bức xúc trong nhân dân. Bà Đinh Thị Thảo (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm) bày tỏ, những vi phạm trên địa bàn đã và đang phá vỡ cảnh quan, không gian di sản.

Trước đó, những vi phạm tương tự cũng xảy ra tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, với không ít công trình xây dựng được hình thành trong Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn. Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều cho biết, do địa bàn rộng, những vi phạm lại thường ở xa trung tâm xã, nên khó phát hiện kịp thời.

Cùng với những vi phạm về trật tự xây dựng, hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích cũng có nhiều bất cập với những vụ việc đã xảy ra những năm trước đây như: Tự ý tháo dỡ, xây mới gác chuông chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai); tháo dỡ, xây mới toàn bộ đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa); hạ giải, xây dựng trái phép một số hạng mục tại chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ); xây mới, lắp đặt nhiều hạng mục không phù hợp trong không gian chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai)... Điểm chung của các vi phạm này là đều không tuân thủ trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, dẫn đến những hậu quả khôn lường, phá hủy giá trị nguyên gốc của di sản. Mặt khác, do công tác kiểm tra, giám sát ở không ít địa phương còn yếu kém cũng dẫn đến tình trạng khi nắm bắt được vụ việc, thì “sự đã rồi” nên khó xử lý.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích, ngăn chặn kịp thời những vi phạm ảnh hưởng tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngày 30-6-2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản số 5508/SXH-TTr về việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý công trình xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, Sở đã đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, đặc biệt là công trình xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố.

Ngay sau khi có văn bản nêu trên, nhiều địa phương đã tích cực ra quân kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phòng ngừa vi phạm. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, cùng với công tác xử lý, cưỡng chế các hộ vi phạm tại khu vực I - di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã đã quy hoạch khu đất giãn dân, phục vụ di dời cư dân tại các nhà cổ truyền thống, nhằm tháo gỡ khó khăn về chỗ ở, ngăn chặn hiện tượng cơi nới, vi phạm về xây dựng như thời gian qua.

Để tránh những "sự đã rồi", Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ cho rằng, việc Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, giám sát sẽ góp phần ràng buộc trách nhiệm với chính quyền và cán bộ chuyên trách văn hóa cơ sở, từ đó hạn chế các vi phạm trong hoạt động xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các địa phương khi thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích phải được sự thỏa thuận của cấp thẩm quyền theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Các địa phương có di tích phải thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích, đồng thời gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Như vậy sẽ hạn chế được các vi phạm phát sinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các di tích trên địa bàn Hà Nội: Tránh để “sự đã rồi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.