(HNM) - Trong khi các vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát sinh vi phạm mới, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Xử lý triệt để vi phạm pháp luật về thủy lợi như thế nào hiệu quả đang là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành hiện nay.
Người dân xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) làm cầu bắc qua kênh Máng 7 là vi phạm Luật Thủy lợi. |
Ngổn ngang vi phạm
Máng 7 là một trong những tuyến kênh tưới, tiêu đặc biệt quan trọng của huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, ngày 22-6 vừa qua, một số hộ dân ở xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) đã tôn cao bờ kênh, lắp cọc bê tông trên bờ kênh để làm cầu đi lại. Trước đó, trên tuyến kênh này cũng xảy ra một số vụ vi phạm tương tự. Bà Nguyễn Thị Là, xã Tiên Phương thừa nhận: “Do nhận thức chưa đầy đủ nên người dân địa phương đã vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi”.
Còn tại huyện Phú Xuyên, kênh trục chính xã Phú Túc dài hơn 2km có nhiệm vụ tưới tiêu cho 559ha sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tuyến kênh này đã bị 51 hộ dân địa phương chiếm dụng để xây dựng nhà ở, dựng lều quán bán hàng… Mặc dù xã Phú Túc và huyện Phú Xuyên đã yêu cầu giải tỏa vi phạm, nhưng người dân vẫn chưa chấp hành, mà đề nghị các cấp chính quyền địa phương đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Không chỉ xảy ra tại các tuyến kênh nội đồng, nhiều hành lang sông trên địa bàn thành phố cũng bị người dân chiếm dụng. Đơn cử, trong hành lang sông Nhuệ, người dân tập thể xóm Giữa, thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) đã dựng cột, đổ 50m2 sàn bê tông. Hay vụ ông Nguyễn Văn Đủ ở xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) đào đất cơ đê, mái đê phía sông… ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai...
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 70 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi nhưng các địa phương mới xử lý được 10 vụ. Các địa phương tồn đọng nhiều vụ chưa xử lý dứt điểm gồm: Thường Tín 18 vụ, Thanh Oai 9 vụ, Hoài Đức 3 vụ… Ngoài ra, trên địa bàn thành phố tồn đọng 7.525 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi; trong đó, các quận, huyện: Bắc Từ Liêm 1.548 vụ, Chương Mỹ 916 vụ, Hà Đông 900 vụ, Thanh Oai 856 vụ, Nam Từ Liêm 758 vụ, Hoài Đức 575 vụ…
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Vũ Mạnh Hùng cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị là không có chức năng xử phạt; nhiệm vụ chính của đơn vị là phát hiện, lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ đề nghị và đôn đốc cấp xã, cấp huyện xử lý. Tuy nhiên, do một số chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý nên vi phạm vẫn tồn tại…
Theo ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm và tồn đọng các vụ vi phạm, nhưng nguyên nhân chính là do một số cán bộ cấp xã, cấp huyện chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, các huyện, xã chưa tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi...
Quy rõ trách nhiệm
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về thủy lợi và thiếu kiên quyết trong xử lý không chỉ tạo ra tình trạng “nhờn luật” mà còn tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Nếu các quận, huyện của Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm công trình thủy lợi thì tốc độ lưu thoát của lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Bùi... sẽ cao, hạn chế xảy ra tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão...
Để ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về thủy lợi, UBND thành phố vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm, đặc biệt là các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, suy giảm năng lực tiêu thoát nước... Đối với địa phương để phát sinh vi phạm trong năm 2019, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý dứt điểm; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng vi phạm, tái vi phạm…
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã đang tập trung rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm công trình thủy lợi gắn với trách nhiệm quản lý đất đai, trật tự xây dựng. “Phường nào để xảy ra nhiều vi phạm, không xử lý kịp thời, quận sẽ đình chỉ chức vụ của chủ tịch UBND phường đó để tập trung xử lý”, bà Cấn Thị Việt Hà thông tin thêm.
Về công tác phối hợp xử lý vi phạm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường khẳng định, đơn vị đã yêu cầu cán bộ, công nhân viên phụ trách các tuyến sông, kênh, hồ, đập phải ghi lại hình ảnh vi phạm, báo cáo ngay với chính quyền cấp cơ sở để xử lý. Nếu để xảy ra vi phạm lớn đến mức gây khó cho chính quyền thì cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý công trình sẽ bị trừ thi đua, thậm chí là kỷ luật…
“Hiện nay, Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi về quy trình xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi theo hướng quy rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và khai thác công trình… Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền cơ sở trong thực hiện pháp luật về thủy lợi…”, ông Phạm Văn Khương cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.