Xã hội

Xử lý vi phạm hành chính: Còn tình trạng vận dụng tùy nghi

Hà Phong 31/05/2024 - 06:40

Ngoài Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện nay chúng ta có hệ thống pháp luật đồ sộ về xử lý vi phạm hành chính, đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng, vẫn còn những nội dung bất cập gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng, việc vận dụng tùy nghi.

quang-canh-hoi-nghi-trien-k.jpg
Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật năm 2024.

Áp dụng chưa thống nhất

Sau hơn 3 năm thi hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống, thông qua số lượng việc xử lý vi phạm hành chính rất lớn.

Ngoài Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã có cả hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này, tạo nên hệ thống chế tài đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành.

Theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, các vụ việc vi phạm xảy ra cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự. Tuy nhiên, do số lượng văn bản hướng dẫn lĩnh vực này khá nhiều nên tình trạng áp dụng chưa thống nhất vẫn xảy ra.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao cho hay, qua kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây, tập trung vào 4 lĩnh vực: Đê điều, trật tự xây dựng và đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa, Sở nhận thấy việc xử phạt vi phạm hành chính và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, nhất là đối với cấp xã. Phổ biến là sai phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục, mức phạt, sai sót trong việc áp dụng hành vi; vẫn còn tồn tại nhiều quyết định chậm thi hành và chưa thi hành.

Trong bối cảnh Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” đang có hiệu lực, việc để các tồn tại chủ quan nêu trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tham mưu, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Sớm lấp các lỗ hổng

Ngoài những bất cập do yếu tố chủ quan, phản ánh từ Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cho thấy, có cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các địa phương về việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có khối lượng, kích thước lớn; việc hủy bỏ, ban hành mới quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm về thủ tục… Khâu cưỡng chế thi hành quyết định hành chính cũng gặp khó khăn do đối tượng vi phạm không có tài khoản cá nhân, một số không có nơi ở ổn định, là người không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản không có giá trị kê biên.

Trong lĩnh vực môi trường, có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được đề cập, không có điều khoản chuyển tiếp quy định xử lý các hành vi, đầu tư trang thiết bị hỗ trợ chưa tương xứng dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, hướng dẫn, thi hành luật; xử lý vi phạm.

Nổi lên hiện nay là việc lập biên bản xử lý kịp thời hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải nơi công cộng không đơn giản. Nguyên nhân do lực lượng chuyên trách mảng môi trường ở cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, thiết bị hỗ trợ như camera còn ít. Tương tự, trong lĩnh vực văn hóa, với các cơ sở kinh doanh gây ồn như quán bar, karaoke… rất khó khăn trong việc đo âm lượng để xác định hành vi vi phạm, do cơ sở vi phạm có thể chủ động tắt, giảm âm lượng khi bị kiểm tra.

Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn chậm nhất từ ngày 31-12-2024. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi không phân loại rác theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 25-8-2022) là chưa phù hợp, cần hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.

Những bất cập trên cho thấy, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm lấp các lỗ hổng về xử lý vi phạm hành chính. Quá trình xử lý một hành vi vi phạm hành chính liên quan đến nhiều người có thẩm quyền khác nhau với trình tự, thủ tục từng lĩnh vực khác nhau nên rất dễ sai sót.

Do đó, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc xử lý những vụ việc phức tạp cho đội ngũ công chức tham mưu và người có thẩm quyền thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần hạn chế sai sót, bảo đảm tính hợp pháp của quyết định xử phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm hành chính: Còn tình trạng vận dụng tùy nghi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.