Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý rác thải nông thôn: Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ

Kim Nhuệ| 05/05/2016 08:07

(HNM) - Mỗi năm, hàng trăm tỷ đồng đã được chi cho công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực ngoại thành nhưng chất lượng môi trường ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế. Để sớm giải quyết những bất cập, bảo đảm môi trường nông thôn, đòi hỏi phải thực hiện giải pháp căn cơ, đồng bộ.

Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thu gom và vận chuyển khiến rác thải tồn đọng ở nhiều nơi.


Ước tính mỗi ngày, 17 huyện thải ra khoảng 2.200 tấn rác sinh hoạt. Để xử lý công tác thu gom, vận chuyển được các huyện thực hiện theo hai bước. Bước 1: Thu gom rác phát sinh từ các hộ dân ra điểm tập kết của thôn, xã. Công việc này phần lớn là do tổ thu gom tự quản của xã, thôn thực hiện, sử dụng xe đẩy tay, xe cải tiến. Kinh phí duy trì hoạt động tổ thu gom được lấy từ nguồn nộp phí vệ sinh môi trường của các hộ gia đình.

Việc thu phí và mức phí hầu hết là do vệ sinh viên thỏa thuận và trực tiếp thu. Bước 2: Vận chuyển rác từ các điểm tập kết của xã, thôn về khu xử lý tập trung thành phố hoặc về các bãi xử lý tập trung các huyện. Để thực hiện công việc này, các huyện ký hợp đồng với 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, thực hiện thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Rác thải ở huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức và một phần huyện Mỹ Đức được đưa về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây). Rác thải tại huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Mê Linh và một phần huyện Gia Lâm được đưa về Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn). Ba huyện còn lại là Mỹ Đức, Gia Lâm và Ứng Hòa xử lý rác tại chỗ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn, hiện nay 99% số xã đã thành lập tổ thu gom; 76% dân số nộp phí vệ sinh môi trường; 87% rác thải sinh hoạt phát sinh đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn các huyện đang tồn tại không ít bất cập. Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn thành phố hiện mới có huyện Thanh Oai và Phú Xuyên xây dựng điểm trung chuyển, phân loại rác thải do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long đầu tư; trong khi việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được quan tâm thực hiện. Điều này khiến nhiều bãi chôn lấp tập trung bị giảm tuổi thọ, các lò đốt rác giảm hiệu quả xử lý, tăng ngân sách chi phí cho vận chuyển…

Đặc biệt, do quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác được thực hiện bởi 3 đơn vị độc lập nên sự phối hợp giữa đơn vị thu gom với đơn vị vận chuyển; giữa đơn vị thu gom, vận chuyển với đơn vị xử lý rác… còn hạn chế dẫn tới hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng công tác tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen xấu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; chưa áp dụng các chế tài xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, bảo đảm môi trường nông thôn Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp, Trưởng phòng Quản lý đô thị Quốc Oai Đỗ Khắc Mịch cho rằng: Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn; xử phạt nghiêm những trường hợp không nộp phí vệ sinh môi trường hoặc xả rác, phế thải bừa bãi; đồng thời có cơ chế hỗ trợ về bảo hiểm y tế, kinh phí mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động… cho vệ sinh viên.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất Đào Xuân Ban đề xuất thành phố sớm xây dựng và ban hành bộ quy chế đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, trong đó ban hành tiêu chuẩn các tuyến đường đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa; chỉ đạo các cơ quan liên quan đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bổ sung cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp xây dựng công trình xử lý rác thải sử dụng nguồn vốn xã hội hóa… Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đề nghị các sở, ngành cần sớm hướng dẫn địa phương thực hiện công tác đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường với phương án trọn gói cả 3 khâu: thu gom, vận chuyển, xử lý rác bằng cơ giới hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải nông thôn: Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.