(HNM) - Rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc, trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường hiện chưa phát triển đúng mức. Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực ngoại thành vẫn bằng thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân...
Dây chuyền xử lý chất thải tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (xã Xuân Sơn - Sơn Tây).Ảnh: Phương Dung |
Tự quản nên hiệu quả thấp
Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực ngoại thành vẫn bằng thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp. Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết các xã 2-3 ngày, thậm chí có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm...
Từ việc thu gom thiếu thống nhất, triệt để nên ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ của người dân cũng hạn chế. Tình trạng vứt rác bừa bãi xuống hồ, ao, kênh, mương khá phổ biến. Hầu hết dọc tuyến đường liên thôn, liên xã đều có rác thải sinh hoạt, từ những loại rác không tự hủy như túi ni lông đến xác súc vật, vỏ thuốc bảo vệ thực vật... Theo ông Lê Văn Vững, Phó Trưởng thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, việc vận động người dân chỉ bỏ rác vào giờ thôn đi thu gom rất khó khăn, một phần do nếp sống, thói quen đã lâu, phần khác do thôn không đủ nhân lực, phương tiện để thu gom hằng ngày. Các vệ sinh viên không được đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ thấp nên ít người gắn bó với công việc. Đã vậy, khi thu phí vệ sinh môi trường, không phải hộ dân nào cũng hiểu và chấp hành.
Cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến bất cập trong thu gom rác nông thôn là thiếu một đầu mối và sự chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc nói: Quản lý hạ tầng nói chung, thu gom rác nói riêng trên địa bàn thôn, xã nào do thôn, xã đó thực hiện, nếu cán bộ thôn, xã trách nhiệm thì việc thu gom rác làm tốt; cán bộ xuê xoa thì công việc lại chệch choạc. Ngay cả các huyện cũng thiếu thống nhất trong đầu mối quản lý; có huyện giao công việc này cho Phòng Quản lý đô thị, có huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất…
Theo thống kê, trên địa bàn 17 huyện ngoại thành có khoảng 5.000 vệ sinh viên, tuy nhiên, thu nhập của lực lượng này chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người không có chế độ bảo hiểm, không qua đào tạo nghề, khó có khả năng tiếp cận việc đổi mới công nghệ, áp dụng cơ giới hóa thu gom rác. Những hạn chế này khiến nhiều vệ sinh viên không xác định gắn bó, tâm huyết với công việc…
Rõ đầu mối, trách nhiệm
Công tác thu gom rác thải nông thôn cần nhiều biện pháp để xử lý. Trong ảnh: Bãi rác tự phát tại xã Đan Hòa, Thanh Oai. Ảnh: Đức Nghiêm |
Nhấn mạnh việc vệ sinh môi trường thời gian qua chưa đạt yêu cầu, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành, quận, huyện phải xác định nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, giảm ô nhiễm khói bụi, không khí… là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Để khắc phục những bất cập trong công tác xử lý rác thải ở ngoại thành hiện nay theo nguyên tắc "bảo đảm rõ đầu mối, rõ trách nhiệm", UBND thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải trên toàn thành phố.
Từ năm 2017, Hà Nội sẽ chấm dứt việc đặt hàng, chuyển sang đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường. Đơn vị làm dịch vụ phải bảo đảm: Có hợp đồng với người lao động, có phương tiện cơ giới thu gom, vận chuyển rác; phải phân loại rác từ nguồn, có công nghệ xử lý rác tiên tiến. Nguyên tắc thực hiện duy trì vệ sinh môi trường theo địa giới hành chính quận, huyện; không chia khu vực, tuyến đường như hiện nay để tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm của người quản lý và người thực hiện…
Sở Xây dựng và các ngành liên quan đang dự thảo quy định phân cấp quản lý theo chỉ đạo của UBND thành phố. Theo đó, việc thu gom rác do quận, huyện thực hiện để bảo đảm chủ động xây dựng phương án phù hợp với địa bàn, địa giới. Thành phố sẽ quản lý các bãi, khu xử lý, nhà máy xử lý rác thải. Dự kiến vào tháng 11, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ bàn giao các phần việc quản lý liên quan về Sở Xây dựng. “Cùng với đó, Sở Xây dựng đang nghiên cứu các bãi chứa, lập kế hoạch công việc thực hiện trong năm 2017, sau đó thảo luận trong tháng 10 tới để lên phương án đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường” - Phó Trưởng ban Duy tu - Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Duy Cường thông tin.
Ở góc độ trực tiếp quản lý công việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đề xuất: Nhà nước nên trực tiếp thu và quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn phí. Cùng với đó, ban hành quy trình phân loại rác sinh hoạt với rác thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất; hỗ trợ huyện xây dựng các bãi tập kết rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong khi ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai kiến nghị: Thành phố hỗ trợ về bảo hiểm y tế, đầu tư trang thiết bị, bảo hộ lao động cho tổ thu gom rác tại địa phương để các vệ sinh viên gắn bó với công việc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Hòa nhận xét, chủ trương chấm dứt đặt hàng, thực hiện công tác đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường là chủ trương phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng công việc, nhất là ở khu vực ngoại thành. Đấu thầu có nghĩa sẽ có nhiều đơn vị được tham gia, giữa các đơn vị có sự cạnh tranh với mục đích cuối cùng là chất lượng và hiệu quả tốt hơn. Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh nói: "Cách làm hiện nay không phù hợp, gây khó khăn cho các đơn vị môi trường về chế độ báo cáo, giám sát và phối hợp thực hiện. Thông qua hình thức đấu thầu, thành phố không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho dịch vụ vệ sinh mà còn rõ đầu mối, rõ trách nhiệm đơn vị quản lý, thực hiện, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều".
Hiện nay, 99% thôn, xóm, khu dân cư tại các huyện đã thành lập tổ thu gom rác thải. Tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường trên địa bàn các huyện đạt 76%. Tiến độ đầu tư các dự án xử lý rác thải quy mô huyện và liên huyện được đẩy mạnh. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện hằng năm đạt 87%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.