(HNM) - Thời gian qua, Báo Hànộimới đã có một số bài viết phản ánh tình trạng đổ phế thải, trong đó có vật liệu xây dựng, tràn lan ở bờ bãi sông Hồng qua địa bàn Hà Nội gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Ngay sau đó, chính quyền địa phương liên quan đã kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, hành vi đổ phế thải vẫn tái diễn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng để xử lý nghiêm tình trạng này.
Vi phạm vẫn diễn ra
Tháng 3-2020, Tổ công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đê điều, trật tự xây dựng quận Tây Hồ do Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Hoàng chủ trì đã bắt quả tang xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-560.29 vận chuyển phế thải xây dựng đổ trộm tại khu vực bãi sông Hồng, địa phận phường Nhật Tân. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính chủ phương tiện số tiền 2,8 triệu đồng theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, việc xử lý những trường hợp vi phạm như kể trên dường như chưa được làm thường xuyên và chưa đủ sức răn đe với các đối tượng đổ trộm phế thải. Quan sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hằng ngày, các xe ô tô tải, xe ba bánh tự chế vẫn ra bãi sông Hồng đổ trộm phế thải, tạo nên những đống phế thải lớn. Cụ thể, cuối ngõ 464 Âu Cơ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), ngay dưới biển cấm đổ rác, phế thải là bãi phế thải vật liệu xây dựng có diện tích hàng trăm mét vuông. Còn ở cuối ngõ 76 An Dương giáp ranh phường Tứ Liên và Yên Phụ (quận Tây Hồ), bãi phế thải nơi đây ngày càng lớn, lấn sát sông Hồng…
Ông Bùi Văn Quân (phường Nhật Tân) cho biết: Vi phạm chở phế thải, nhất là phế thải xây dựng đổ ở khu vực bãi sông Hồng trên địa bàn phường không chỉ diễn ra ban đêm mà cả ban ngày. Tuy nhiên, chính quyền không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý.
Cũng đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo báo cáo của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình, hành vi đổ trộm phế thải, vi phạm đê điều, trật tự xây dựng tại khu vực bờ sông Hồng (tại tổ 3, cụm 2, phường Phúc Xá) đã được UBND quận chỉ đạo đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay chưa được UBND phường Phúc Xá và các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm.
Bức xúc trước tình trạng nêu trên, bà Nguyễn Thị Hòe (phường Phúc Xá) đề nghị, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm đổ trộm phế thải, bảo vệ an toàn đê điều và dòng chảy sông Hồng qua địa bàn Hà Nội.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Trao đổi về thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho rằng, khu vực ra bãi sông Hồng trên địa bàn quận khá phức tạp, các đối tượng thường sử dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển phế thải luồn lách qua các ngõ ngách nhằm trốn tránh lực lượng chức năng. Mặt khác, thời gian qua, chính quyền các cấp tập trung phòng, chống dịch Covid-19 nên việc bố trí lực lượng tuần tra chưa được thường xuyên, liên tục. Vì vậy, mức độ vi phạm có dấu hiệu gia tăng. Thời gian tới, quận chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân kịp thời tố giác các vi phạm.
Về giải pháp của chính quyền cấp cơ sở, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) Đặng Hữu Tiến thông tin: Để ngăn chặn vi phạm, UBND phường đã gia cố và dựng barie tại khu vực giao đê bối với các ngõ có xe ô tô tải vào đổ trộm phế thải.
Đồng thời giao Công an phường có phương án tổ chức các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn hành vi đổ trộm phế thải vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn phường.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Hưng, thời gian qua, phường đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm đổ phế thải xuống lòng sông Hồng. Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền vận động các hộ dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời cử lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra để ngăn chặn triệt để vi phạm.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ phế thải ở khu vực bờ bãi sông Hồng, bảo đảm an toàn đê điều và dòng chảy, đòi hỏi ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 1535/UBND-KT ngày 24-4-2020 về việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.