(HNM) - Liên tiếp những ngày gần đây, dư luận “sốc” trước hàng loạt vụ việc hết sức nghiêm trọng như sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư giả bằng bột than tre,
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm “bẩn” trên địa bàn thành phố. Ảnh: Sơn Hà |
Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Cà phê “nhuộm pin” có nguy cơ gây ngộ độc kim loại
Trong cấu tạo viên pin có nhiều kim loại nặng, axit và thành phần hóa học, phổ biến nhất là chất carbon, Mangan dioxit có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chất mangan dioxit sau khi chuyển hóa thành dạng ion, thủy ngân, một số kim loại nặng, tạp chất có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Các thành phần có trong pin không thể cho vào thực phẩm, đồ uống bởi chứa nhiều kim loại.
Kim loại nặng khi xâm nhập cơ thể gây ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu… Tùy theo lượng hấp thu nhiều hay ít mà biểu hiện các triệu chứng khác nhau, nhưng điều dễ thấy nhất là những triệu chứng về thần kinh. Với người trẻ thì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, ở người lớn là các bệnh mãn tính như parkinson, thoái hóa não, suy thận, suy gan. Do đó, dù bất cứ lý do gì, pin không được phép cho vào thực phẩm. Đây là hành vi nghiêm cấm!
Ông Phan Văn Toàn, phường Mai Động, quận Hoàng Mai: Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn thiếu trách nhiệm!
Thông thường, để có thể sản xuất hay kinh doanh bất cứ mặt hàng gì, nhất là thực phẩm, ngoài giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục cần thiết khác mới được hoạt động. Ngoài ra, quá trình hoạt động còn thường xuyên chịu sự giám sát của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường... Vậy mà chủ cơ sở sản xuất sử dụng bột lõi pin trộn cùng cà phê với khối lượng lớn ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), hoạt động hơn 2 năm nhưng vẫn “qua mặt” được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng. Và chỉ đến khi người dân tố giác, cơ quan công an vào cuộc thì sự thật mới được phơi bày. Đây là điều không thể chấp nhận!
Hiện, dư luận đặt rất nhiều câu hỏi: Phải chăng chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng đã bảo kê cho cơ sở này? Phải chăng năng lực của cán bộ cơ sở quá yếu? Tôi đề nghị cơ quan điều tra sớm làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở, nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý đúng quy định. Đồng thời, cũng cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng trong vụ việc này.
Bà Lê Minh Ngọc, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông: Giúp người dân tránh cảnh “tiền mất, tật mang"
Gia đình tôi có người mắc bệnh ung thư nên tôi thấu hiểu tâm tư của người bệnh. Mỗi khi nghe tin có thuốc điều trị hay sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, người bệnh nào cũng phấn khởi. Dù thuốc đắt đến mấy cũng cố vay mượn để mua với hy vọng bệnh tình thuyên giảm. Nhưng thật thất vọng khi biết
tin nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 lại được làm bằng bột than tre nứa. Điều đáng nói, một sản phẩm lưu hành trên thị trường đã lâu nhưng không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan y tế nào là điều khó hiểu, để rồi nhiều người dân lầm tưởng, tin dùng sản phẩm này trong chữa trị bệnh ung thư. Đã đến lúc các cơ quan chức năng siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trên địa bàn cả nước, đồng thời xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả nêu trên. Có như vậy mới giúp được người dân tránh được tình
trạng “tiền mất, tật mang” như hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Am, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy: Xét xử nghiêm minh!
Theo tôi, sự việc Công ty TNHH Vinaca sản xuất sản phẩm với quảng cáo chữa ung thư từ bột than tre phải được điều tra, xem xét và khởi tố hình sự. Bởi lẽ, hành vi sản xuất thuốc giả của công ty này được tổ chức rất bài bản và diễn ra trong suốt thời gian dài, tiêu thụ trên quy mô cả nước. Nạn nhân của họ lại chính là những người bệnh trọng, những người đã cùng kiệt cả về sức khỏe lẫn tài chính. Do đó, đây là hành vi mất nhân tính, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Vậy có hay không sự "tiếp tay" của cơ quan quản lý cho hoạt động phi pháp này của Vinaca? Bởi sản phẩm này đã được một số đơn vị, tổ chức vinh danh, chứng nhận “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam”, có giấy chứng nhận được cấp của Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam)…
Quá trình lưu thông hàng hóa tại 14 tỉnh, thành phố, hàng loạt sản phẩm làm giả, không có giấy phép… của công ty này vẫn qua mắt lực lượng quản lý thị trường và chỉ được phát hiện tại Nam Định, Hải Phòng sau thời gian dài hoạt động. Dư luận đang trông đợi cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ sai phạm của các cơ quan quản lý trong “đường đi” của Công ty TNHH Vinaca để khởi tố, đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.