(HNM) - Trước thực trạng người mua nhà, đất nhưng chưa được
Mỏi mòn chờ giấy chứng nhận
Hiện nay không ít chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được chủ đầu tư bàn giao nhà, cư dân đã vào ở, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đơn cử, nhiều hộ dân sống tại chung cư Rubyland (quận Tân Phú) bức xúc, dù bỏ tiền ra mua căn hộ, dọn vào ở gần 10 năm nhưng chẳng khác nào ở nhà thuê, vì chủ đầu tư không làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Như vậy, về mặt pháp lý họ chưa phải là chủ nhân thật sự căn hộ của mình.
Còn tại dự án Đại Hải (quận Thủ Đức), 419 nền đất đã được Sở Tài nguyên - Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhiều nền đất trong số này đã bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng, do vậy khách hàng mua đất từ năm 2001 đến nay vẫn không biết đến khi nào mới được cấp "sổ đỏ".
Nhiều hộ dân mua căn hộ dự án Rubyland gần 10 năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. |
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh đã cấp gần 1,5 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Tuy nhiên, hiện còn gần 110.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Đối với người dân, giấy chứng nhận có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến cuộc sống của họ. Nhu cầu cấp giấy chứng nhận rất lớn và là đòi hỏi chính đáng. Tình trạng đã vào ở lâu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, tạo nên tâm lý lo lắng, bất an, cũng là nguyên nhân gây ra bức xúc, khiếu nại, tranh chấp. Trong số 24 quận, huyện của thành phố, Tân Phú là địa bàn có số lượng chung cư phát sinh khiếu nại, tranh chấp cao nhất. Toàn quận có 64 chung cư đã đưa vào sử dụng thì có tới 13 chung cư phát sinh tranh chấp, trong đó có chung cư thời gian tranh chấp kéo dài hơn 10 năm.
Mạnh tay xử lý chủ đầu tư
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, kể từ ngày 1-7-2014 (sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp phép xây dựng mới được thực hiện dự án. Điều này tránh việc chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính một phần, ảnh hưởng đến quá trình cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Đối với các dự án mà chủ đầu tư không thực hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất không giao thêm đất thực hiện dự án mới. Về phía Sở Xây dựng, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đã giao Thanh tra Sở bảo đảm 100% dự án xây dựng nhà ở phải được kiểm tra, 100% sai phạm trong xây dựng công trình phải được phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu. Đồng quan điểm với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng đề nghị đối với chủ đầu tư có vi phạm, không chấp thuận đầu tư dự án mới, chờ xử lý triệt để tồn đọng dự án cũ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là ủng hộ quyền lợi chính đáng của người mua nhà đất. Sắp tới, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành khẩn trương tiến hành rà soát tổng thể và từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, phân loại các tồn đọng, phân tích nguyên nhân chậm cấp giấy chứng nhận, đề xuất giải pháp. Chủ đầu tư nào cố tình chây ỳ sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không xem xét giao đất cũng như không cấp phép thực hiện dự án mới. Nếu cần sẽ tiến hành khởi kiện chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.