Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, các địa phương đã đẩy mạnh việc thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo phân cấp.
Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường.
Kiểm soát chất lượng từ gốc
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Quốc Oai Hoàng Minh Tưởng, hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Y tế, Kinh tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin phục vụ quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, bảo đảm hiệu quả.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Quốc Oai đã cấp 147 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 2.289 cơ sở cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chế biến dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình đăng ký kinh doanh, điều kiện hoạt động và các biện pháp ngăn ngừa mất vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, huyện Ba Vì đã tập trung hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đến nay, về lĩnh vực y tế trên địa bàn huyện có 85 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 72 cơ sở thực hiện cam kết an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ba Vì cũng tập trung thanh, kiểm tra, hậu kiểm các hoạt động cấp phép, lập thủ tục cấp phép và gia hạn với các giấy phép đã hết thời hiệu của cơ quan chuyên môn, nhằm thực hiện tốt vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Huyện cũng kết hợp thực hiện tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định.
Từ đó, nâng cao ý thức về thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các chủ cơ sở, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Qua đó, nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống ngày càng được nâng lên, nên từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Qua kiểm tra thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các huyện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, phần lớn các địa phương đều đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhờ đó, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn còn khó khăn do các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại cấp xã chưa thực sự quyết liệt, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết; đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Nhận thức của chủ cơ sở còn hạn chế, vẫn kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Tăng cường kiểm tra và hậu kiểm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, để kiểm soát chặt chẽ nông sản, thực phẩm trên thị trường, huyện yêu cầu các đơn vị, xã, thị trấn đẩy mạnh việc ký cam kết đối với các cơ sở bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời hướng dẫn các chủ cơ sở về các giấy tờ, thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, huyện còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của Nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thực hiện công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề và công tác giải quyết các thủ tục hành chính về vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng được triển khai hiệu quả, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người kinh doanh thực phẩm.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, thời gian qua, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và cấp giấy cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo đúng quy định. Để công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, quận kiến nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố bổ sung quy định hộ sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ cũng thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
“Quận cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy, nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động; đồng thời xử lý nghiêm đối với những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng vẫn sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp ra thị trường”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.