Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Đình Hiệp| 26/10/2021 18:22

(HNMO) - Chiều 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên thảo luận trực tuyến chiều 26-10.

Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề quan trọng mà Chính phủ lấy ý kiến, gồm: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích

Đối với nhóm vấn đề thứ nhất, hầu hết đại biểu nhất trí với phương án 1, đó là giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) phát biểu.

Cơ bản nhất trí với phương án 1, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Cùng với đó, cần nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan. Đồng thời, khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành”, đại biểu nêu ý kiến.

 Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu.

Cũng nhất trí với phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ rất quan trọng, tuy nhiên, không nhất thiết Nhà nước phải sở hữu kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách. Trong khi đó, tổ chức chủ trì là người am hiểu các kết quả nên việc thương mại hóa cũng như thúc đẩy hợp tác với các đối tác liên quan sẽ thuận lợi hơn để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.

Đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn Phú Yên) quan tâm đến bảo vệ chỉ dẫn địa lý khi vấn đề này còn nhiều bất cập, chưa thống nhất giữa nhà nước và các địa phương. Vì thế, đại biểu cho rằng cần có cơ chế rõ ràng để các địa phương chủ động hơn trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý.

Xâm phạm quyền về giống cây trồng nghiêm trọng nhất

Nhóm vấn đề thứ 2 được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên) cùng nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với phương án 2, đó là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1, Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) phát biểu.

Đối với phương án 1 (không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà xử lý bằng biện pháp dân sự), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, phương án này có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công.

 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo sửa thêm Điều 212 của luật hiện hành quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Sau khi phân tích lý do vì sao cần áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu cho rằng trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì hành vi xâm phạm quyền về giống cây trồng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao nhất.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tiếp thu ý kiến.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về nhóm ý kiến thứ nhất, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các đại biểu để nghiên cứu làm rõ cơ chế phân chia lợi ích một cách hợp lý giữa nhà nước, cơ quan chủ trì với tác giả; đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ. Về nhóm ý kiến thứ hai, cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đó là không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (chọn phương án 2).

 Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội chiều 26-10.

“Cơ quan soạn thảo tiếp thu 4 nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận gồm: Vấn đề sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng và việc sửa văn phong, kỹ thuật xây dựng dự thảo luật. Đây là dự án luật chuyên sâu, khó nên cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 26 đại biểu phát biểu thảo luận và 1 ý kiến tranh luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. “Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến thảo luận, tranh luận và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan để nghiên cứu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật; đồng thời trình Quốc hội tiếp tục thảo luận xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba dự kiến diễn ra vào tháng 6-2022”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.