(HNM) - Thời gian qua, dù các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp, song Hà Nội vẫn chưa thể xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt, vốn tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 11-11-2020 về thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hiểm họa từ những lối đi tự mở
Dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận Hà Nội), dễ dàng thấy nhiều lối đi tự mở qua đường sắt. Từ số 114 đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai) đến số 360 đường Ngọc Hồi (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) có hai chục lối đi tự mở qua đường sắt. Ngoài các lối đi tự mở dẫn vào các ngõ của khu dân cư còn có nhiều lối đi thẳng vào 1-2 hộ dân.
Còn trên địa bàn huyện Thường Tín, các xã “nổi tiếng” với nhiều lối đi tự mở qua đường sắt phải kể đến: Xã Minh Cường có 51 lối đi, xã Văn Tự có 25 lối đi, xã Tô Hiệu có 23 lối đi... Chị Nguyễn Thùy Linh (phố Ga, huyện Thường Tín) cho biết, nhiều nhà dân nằm ngay sát hành lang an toàn đường sắt đã tự ý tháo thanh chắn bảo vệ đường sắt để mở lối đi thẳng từ quốc lộ vào nhà mình cho tiện đi lại. Nhiều người kinh doanh bày bán hàng hóa lấn chiếm hành lang đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khách đến mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Thương (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, các lối đi tự mở tại vị trí Km2+355 và Km21+125 trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, đoạn qua khu vực gia đình bà sinh sống, được cắm biển cảnh báo và chôn cột bê tông, rào chắn thu hẹp lối đi nhưng đã bị một số người phá dỡ để tiện đi lại.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 25 vụ tai nạn đường sắt làm chết 8 người và bị thương 20 người. Trong đó, có 10 vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi tự mở. Nguyên nhân là do, tại nhiều lối đi tự mở, mặc dù đã được rào thu hẹp, nhưng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ vẫn cố tình lách qua, thậm chí phá bỏ hàng rào để đi qua.
Đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm
Theo Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) Nguyễn Tất Thương, tính đến hết tháng 10-2020, toàn thành phố còn 340 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó nhiều nhất là huyện Thanh Trì với 83 vị trí; huyện Thường Tín 82 vị trí; huyện Đông Anh 38 vị trí…
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Duy Hiển thông tin, nhằm xóa bỏ các lối đi qua đường sắt, tháng 9-2020, huyện phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt thu hẹp 6 lối đi tự mở, rào đóng 32 lối đi. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tổ chức xây dựng gờ giảm tốc tại tất cả các lối đi tự mở có nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường sắt; thực hiện rào ngay các lối đi tự mở dù chưa có công trình phụ trợ.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, những năm qua, thành phố đã phối hợp với ngành Đường sắt triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, từng bước xóa bỏ các lối đi tự mở. Đặc biệt, Sở đã bàn giao hồ sơ lối đi tự mở cho các địa phương quản lý nhằm giao trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý hành lang an toàn đường sắt.
Xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt là nhiệm vụ quan trọng, ngày 11-11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND với mục tiêu xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố đưa ra hàng loạt các giải pháp mang tính đồng bộ: Từ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến quản lý đất dành cho đường sắt, kinh phí thực hiện…
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp cho biết, cuối năm 2019, huyện tiếp nhận bàn giao hồ sơ lối đi tự mở từ ngành Đường sắt, hầu hết là các lối đi đã tồn tại từ nhiều năm, không có lối đi tự mở mới phát sinh. Nay, Kế hoạch số 216/KH-UBND đã cho phép UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua đề xuất nguồn vốn đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để xóa bỏ lối đi tự mở, gỡ vướng cho các địa phương, nên Thanh Trì sẽ quyết liệt triển khai, sớm xử lý dứt điểm những tồn tại lâu nay.
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở tại các khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao. Đến giai đoạn 2021-2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở; hoàn thành hệ thống đường gom, hàng rào ngăn cách; phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng mới đường ngang, cầu vượt, hầm chui…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.