Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” (tiếp theo)

Ngọc Hải - Dương Hiệp| 24/08/2013 06:52

(HNM) - Như trong phần đầu của bài viết đã nêu, hằng tháng các cơ quan chức năng của TP đã tổ chức không ít đợt ra quân lập lại trật tự giao thông, thế nhưng kết cục chỉ như

Lực lượng mỏng, cấp phép chồng chéo

Quy định về quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố ban hành ngày 9-5-2013 của UBND TP Hà Nội có nêu rõ: Hè phố được sử dụng tạm thời để kinh doanh buôn bán phải bảo đảm các yêu cầu sau: Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, nhiều tuyến phố chủ kinh doanh được cấp phép đã lấn chiếm vô tội vạ, tận dụng từng centimet vỉa hè để căng dây, kẻ vạch trông giữ xe, rõ nhất là các tuyến phố Phủ Doãn, Quang Trung. Người đi bộ qua đây không cách nào khác phải chấp nhận nguy hiểm, đi xuống lòng đường.

Nhiều điểm trông giữ xe được cấp phép lấn chiếm hết cả vỉa hè.



Cũng trong quy định nêu trên cũng ghi rõ: Việc sử dụng tạm thời hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình phải tuân thủ đúng các quy định. Thời gian sử dụng từ 22h đêm đến 6h sáng và phải bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Phải dành lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Thời gian cấp phép phù hợp với thời gian được nêu trong giấy phép xây dựng.

Theo Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an thành phố Hà Nội, việc quản lý vỉa hè hiện nay vô cùng phức tạp khi lực lượng mỏng, việc cấp phép thì chồng chéo giữa cấp sở và cấp quận, huyện gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Đại tá Bình cho biết: Bảy tháng đầu năm 2013, lực lượng Cảnh sát trật tự đã tuyên truyền đến gần 3.500 cơ quan, đơn vị, gần 11.000 tổ dân phố và trên 16.000 hộ dân về giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức cho gần 16.500 hộ ký cam kết không vi phạm trật tự đô thị. Thế nhưng vi phạm vẫn cứ diễn ra, lực lượng cảnh sát trật tự hằng ngày phải xử lý hàng nghìn lỗi vi phạm, từ để xe trên lòng, hè đường đến những mái vẩy, bục bệ... Cũng theo Đại tá Bình, đã đến lúc cần phải xem lại những vấn đề về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè theo những quy định, quy chuẩn. Cụ thể, lòng đường bao nhiêu mét thì được tổ chức trông giữ ô tô, vỉa hè bao nhiêu mét thì được để xe máy hoặc tổ chức trông giữ xe máy và phải dành lại bao nhiêu mét cho người đi bộ... Nếu làm được như vậy Nhà nước vẫn có thể thu được thuế đối với các hộ kinh doanh và là căn cứ cho lực lượng chức năng xử lý, hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh. Bên cạnh đó, theo lộ trình phát triển giao thông tĩnh, vỉa hè sẽ được dần trả lại cho người đi bộ khi giao thông tĩnh đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong khu vực.

Còn theo Trung tá Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng Công an phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) thì nếu xét về mặt lực lượng, cả phường hiện nay chỉ có 19 biên chế, trong đó chỉ có 2 biên chế cho cảnh sát khu vực. Nếu chia ca ra, mỗi người sẽ có thời gian trực chiến, tham gia tuần tra trên đường là 12 giờ/ngày. Chính vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát trật tự đang phải "gồng mình" phối hợp với lực lượng tự quản nhằm giữ gìn trật tự đô thị. Kể về quá trình xử lý những vi phạm, Trung tá Thành cho biết, thực tế đi xử lý vi phạm về trật tự đô thị, nhiều hộ dân bức xúc cho rằng, vỉa hè đã gắn với đời sống của họ từ nhiều năm và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nếu cấm các hộ kinh doanh thì cũng nên cấm cả những công ty đang mặc nhiên được cấp phép, ngang nhiên rào vỉa hè của người đi bộ làm điểm trông giữ xe. Chính vì thế, nhiều hộ kinh doanh luôn tìm mọi cách bám trụ. Điển hình là quán bia Sửu ở 34 Phan Chu Trinh. Từ đầu năm đến nay, quán bia này đã có 8 lần bị lập biên bản xử lý vi phạm đô thị, nhẹ thì ở cấp phường, cấp quận, bị xử phạt ở mức từ 2 đến 2,5 triệu đồng, nặng hơn thì cấp thành phố có 2 lần xử lý với mức phạt 20 - 25 triệu đồng.

Thanh tra giao thông phạt… lấy lệ?

Có một điều đáng nói, trong những ngày tìm hiểu về xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với lực lượng Thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội, nhưng hầu như không đạt kết quả. Sau 2 ngày đặt lịch làm việc, chúng tôi cũng chỉ có trong tay một bản tổng hợp số vụ xử lý vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè. Đáng ngạc nhiên hơn, trong khi lực lượng Cảnh sát trật tự xử lý lên đến gần 150.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền trên 50 tỷ đồng thì lực lượng Thanh tra giao thông trên 29 quận, huyện của Hà Nội chỉ xử lý được… gần 950 vụ, với số tiền phạt "khiêm tốn" gần 800 triệu đồng. Điều này khiến dư luận phải đặt câu hỏi, phải chăng Thanh tra giao thông các cấp chưa làm hết chức năng, việc kiểm tra, xử phạt chỉ là hình thức?

Đề cập đến số liệu nói trên, chúng tôi mới thấy lời ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội rằng: Lực lượng thanh tra xử lý quá chậm và chưa nghiêm (như đã nêu ở phần đầu bài viết ra ngày 23-8) là hoàn toàn có cơ sở. Lần giở lại kết quả xử lý những vi phạm của Ban Chỉ đạo 197 thành phố trước khi thực hiện lệnh cấm trông xe trên 267 tuyến phố, chỉ trong hơn một tháng rà soát tại 10 quận nội thành, trong số 1.016 điểm trông giữ phương tiện, lực lượng liên ngành phát hiện chỉ có 620 điểm được cấp phép. Tiến hành kiểm tra thực tế tại 271 điểm, cơ quan chức năng phát hiện tới 232 điểm trông giữ xe vi phạm, chiếm tới 86%. Lỗi vi phạm thì nhiều, nhưng thống kê cho thấy hầu hết các điểm trông giữ xe này lấn chiếm diện tích, lấn chiếm lòng, hè đường, không đúng diện tích đã được cấp phép.

Trưa 22-8, khi chúng tôi khảo sát tại phố Láng Hạ, gặp một đội trật tự giao thông đang làm nhiệm vụ. Quán café Nhân, 29 Láng Hạ để xe lấn hết vỉa hè. Xe "trật tự" của CA phường đến giải tỏa, bắt giữ phương tiện vi phạm. Chúng tôi đã phỏng vấn Thượng úy Trần Anh Hoài, CA phường Thành Công, quận Ba Đình và được biết: Mặc dù có "người trong ngành" đến xin xe vi phạm, nhưng đội trật tự kiên quyết đưa về phường để xử lý. Giữa trưa nắng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo những người thực thi công vụ, nhìn mấy bác "trật tự viên" đầu đã bạc, chuyển xong chiếc xe máy lên ô tô, đứng thở hi hóp, chúng tôi thấy ái ngại. "Dù đã tuyên truyền nhiều, các hộ kinh doanh đều ký cam kết, phạt cũng nhiều, thế nhưng chúng tôi dẹp xong đầu phố, đến giữa phố chỗ vừa dẹp xong hàng quán lại tràn ra. Vì phường chót đăng ký thi đua với quận nên chúng tôi phải làm thôi, chứ cứ loay hoay kiểu này vừa tốn sức mà chẳng ăn thua gì" - một trật tự viên cho biết.

Không biết việc xử lý các vi phạm trật tự đô thị, nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" trên địa bàn TP Hà Nội bao giờ mới chấm dứt?

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.