Đô thị

Vỉa hè Hà Nội: Thay đổi tư duy quản lý để bắt kịp thực tiễn

Ths.KTS Lã Hồng Sơn 14/07/2023 06:27

Sự thiếu đồng bộ quy định pháp luật, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh trong quản lý đã dẫn đến việc chưa phát huy hết công năng của vỉa hè.

LTS: Trong lĩnh vực xây dựng ở nước ta, vỉa hè, hè phố là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định rõ ràng về “đường dành cho người đi bộ”. Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND cũng là: “Hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông”, cho thấy cần thay đổi tư duy quản lý để bắt kịp thực tiễn.

Báo Hànộimới giới thiệu 2 bài viết của Ths.KTS Lã Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội về các giải pháp quản lý và sử dụng vỉa hè nhằm tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ.

Bài đầu: Còn thiếu đồng bộ, chưa bao quát

Việc coi vỉa hè chỉ là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước là chưa đầy đủ và chưa mang lại hiệu quả quản lý, đặc biệt tại các quận trung tâm thuộc thành phố lớn. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân gây hạn chế trong quản lý. Sự thiếu đồng bộ quy định pháp luật, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh trong quản lý đã dẫn đến việc chưa phát huy hết công năng của vỉa hè.

viahe.jpg
Vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Viết Thành

Quy định quản lý vỉa hè chưa đồng bộ

Chúng ta vẫn thường thấy hằng ngày, không phải lúc nào và ở đâu, hè phố cũng được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường không vào mục đích giao thông; sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe; cấp giấy phép đào hè phố, lòng đường… không phù hợp và nhất quán mục tiêu để tạo thuận lợi cho người đi bộ; lực lượng quản lý tại UBND các quận, huyện, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thường xuyên, dẫn đến hoạt động theo phong trào như “bắt cóc bỏ đĩa”…

Thực tế này đặt ra câu hỏi: Yếu tố nào chưa mang lại hiệu quả quản lý? Và sự cần thiết phải thay đổi về tư duy quản lý để bắt kịp thực tiễn ra sao? Ngoài các yếu tố kỹ thuật công trình hạ tầng kỹ thuật (ngầm và nổi) trong phạm vi hè phố được đầu tư chung, thì các thiết kế vỉa hè sẽ quy định và hướng dẫn các hoạt động xã hội của các tổ chức, cá nhân như thế nào, thông qua các chỉ tiêu gì là những nội dung cần được xem xét kỹ các khía cạnh thực tiễn, pháp lý và phương pháp luận tư duy quản lý.

Qua tìm hiểu thực tiễn, quy định pháp luật về quản lý hè phố là chưa đồng bộ; ngoài cơ chế chính sách quản lý hè phố cần bổ sung, đề cập đầy đủ đến quản lý “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ”, bổ sung các yếu tố về thiết kế và quản lý sử dụng để bao quát đầy đủ các mối quan hệ về quản lý nhà nước. Đối tượng quản lý lấy người dân làm trung tâm - thay cho việc coi hè phố và ngành là trung tâm.

Nội dung quản lý nhà nước cũng mới dừng lại ở thiết kế bề mặt (vật liệu vỉa hè) và còn chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh về: Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn về thiết kế hè (ngầm/nổi) trong phạm vi giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ thuộc ngành Giao thông - Vận tải; về thiết kế mẫu vỉa hè (tại khu vực đô thị và nông thôn) và quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Luật Xây dựng thuộc ngành Xây dựng; về các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố (thiết kế đô thị; kiến trúc; du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và gắn kết cộng đồng)… gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành quản lý.

Cam kết tạo thuận lợi cho người đi bộ

Với thực trạng quản lý như hiện nay (là quản lý theo ngành và quản lý theo vùng lãnh thổ), rõ ràng “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ” đã không rõ về đầu mối quản lý. Đổi mới tư duy quản lý, phải bắt đầu từ mục tiêu quản lý là tạo thuận lợi cho người đi bộ và cần được coi là sự cam kết chính thức của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư về các lý do quan trọng cần quản lý hè phố.
Qua khảo sát thực tiễn tại quận Hoàn Kiếm, một số biện pháp cụ thể đã được áp dụng trong quản lý hè phố như quản lý sự kiện và lễ hội. Khi có các sự kiện hoặc lễ hội diễn ra trên hè phố, công tác quản lý cần xác định và phân bổ đúng không gian cho các hoạt động, thiết lập khu vực an toàn, bảo đảm sự tổ chức tốt của buổi biểu diễn và giám sát quy mô đám đông để bảo đảm an ninh và trật tự.

Trong khi đó, biện pháp quản lý bán hàng và kinh doanh sẽ bảo đảm sự sắp xếp hợp lý của các gian hàng, quầy hàng và vỉa hè để không gây cản trở cho lưu thông và không làm mất đi không gian công cộng. Ở biện pháp này, cần có quy định về vị trí, kích thước và mật độ của các hoạt động kinh doanh trên hè phố, cũng như bảo đảm tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn hàng hóa và chất lượng dịch vụ.

Điều chỉnh lưu thông giao thông là một phần quan trọng trong quản lý hè phố. Cần thiết lập và tuân thủ các quy tắc về đường đi, làn đường, biển báo giao thông và đèn tín hiệu. Có thể áp dụng hệ thống điều khiển giao thông thông minh, giám sát tình trạng giao thông và cung cấp thông tin về lưu lượng xe cộ để giảm thiểu ùn tắc.
Nhằm bảo đảm vỉa hè rộng rãi, an toàn và thuận tiện cho người đi bộ, cần có các quy định về kích thước, vị trí và sử dụng vỉa hè. Ngoài ra, cần thiết lập quy định về tiếng ồn và thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt để giảm thiểu tiếng ồn gây khó chịu cho cư dân. Điều này có thể bao gồm đặt giới hạn âm lượng cho âm thanh công cộng, xác định khung giờ yên tĩnh và áp dụng biện pháp kiểm soát tiếng ồn trong quá trình tổ chức các sự kiện hoặc buổi biểu diễn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỉa hè Hà Nội: Thay đổi tư duy quản lý để bắt kịp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.