Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý hạn chế, bất cập khi áp dụng hình thức BOT cho dự án cao tốc Bắc-Nam

Bảo Hân| 03/11/2017 12:21

(HNMO) - Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, tổng đầu tư cho giai đoạn 1 của tuyến cao tốc Bắc - Nam là 128.716 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.


Gần 119.000 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 2017-2020

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành, có quy mô từ 4-6 làn xe. Khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80-120km/h.

Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2017-2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2021-2025, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn sau 2025, đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017-2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện còn nhiều khó khăn trong đấu thầu dự án. Cụ thể, Chính phủ cho rằng, trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), để triển khai các dự án này thành công thì không phụ thuộc vào nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường, mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự ổn định chính sách, sự đồng thuận của nhân dân...

Các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công sớm nhất vào năm 2020.

Ngoài ra, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...

Đường cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.


Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đường cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, dự án này cũng kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Về phạm vi đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với hướng Chính phủ đưa ra là lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.

Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với phương án của Chính phủ phân chia dự án thành các dự án thành phần, triển khai vận hành độc lập trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối. Việc thực hiện dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là không khả thi.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).

Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.


Về nguồn vốn nhà nước bố trí cho dự án, Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia, trong đó bố trí cho dự án chống ngập TP HCM 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ 70.000 tỷ đồng cho toàn bộ dự án để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Trường hợp chỉ sử dụng 55.000 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, có ý kiến cho rằng, cần bố trí 15.000 tỷ đồng còn lại cho dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các dự án giao thông quan trọng, cấp bách theo đề nghị của Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng nguồn vốn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho dự án, khoảng 40.845 tỷ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.694 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi, đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Về phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án, dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý hạn chế, bất cập khi áp dụng hình thức BOT cho dự án cao tốc Bắc-Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.