(HNM) - Ứng dụng khoa học và công nghệ, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, nâng cao tri thức khoa học cho nông dân, giúp họ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp nước nhà.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy việc ứng dụng khoa học và công nghệ. Các cấp, các ngành đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động. Nhờ đó, ứng dụng khoa học và công nghệ đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã và đang mở hướng làm giàu cho người nông dân.
Tại Hà Nội, việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần gia tăng giá trị ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2020 bình quân gần 2,5%. Hà Nội đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân tại Hà Nội nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ nên đã đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi...
Tuy nhiên, việc đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội vẫn còn những hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết là trình độ, kiến thức sản xuất cũng như kỹ thuật canh tác hiện đại của đa số nông dân còn thấp. Nguồn vốn để đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất còn nhiều khó khăn. Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, đưa công nghệ mới đến với người nông dân nhiều lúc chưa mang lại hiệu quả cao. Còn một bộ phận người nông dân vẫn sản xuất theo thói quen cũ… Do vậy, để đưa tri thức khoa học và công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, công nghệ cao đến với người nông dân, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, rất cần một tư duy mới cũng như một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước hết, các nhà hoạch định chính sách cần coi nâng cao kiến thức khoa học cho nông dân là yêu cầu quan trọng và cấp thiết, từ đó có những quyết sách phù hợp với thực tế.
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách để người nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với khoa học và công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về vốn tín dụng, tạo điều kiện cho người nông dân cũng như các thành phần liên kết đổi mới cơ sở vật chất, làm nền tảng ứng dụng công nghệ mới vào phát triển sản xuất, gia tăng giá trị nông sản.
Mặt khác là tăng cường các mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, cũng như phát huy vai trò của Hội nông dân các cấp. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc thiết kế các chính sách; nhà khoa học chủ động chuyển giao công nghệ mới; Hội nông dân các cấp tham gia tập huấn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nội dung tập huấn cần được xây dựng theo hướng phù hợp với tình hình từng địa phương và thiết thực với người nông dân.
Đặc biệt, cần chú trọng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân - những chủ thể quan trọng nhất trong việc thúc đẩy việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Ở khía cạnh khác, người nông dân cần vươn lên chủ động học hỏi, tiếp thu tri thức khoa học và công nghệ, từ đó vươn lên làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp.
Đưa khoa học và công nghệ đến với người nông dân để có sản phẩm chất lượng cao là xu hướng phát triển tất yếu, cũng là chìa khóa để ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục khởi sắc, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.