Xe++

Xu hướng phím, màn hình cảm ứng trên ô tô đã thoái trào?

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 20/12/2023 - 15:28

Trong bối cảnh các phím cảm ứng chạm sau một thập kỷ bùng nổ nhưng đón nhận phản hồi không tích cực từ người dùng, nhiều nhà sản xuất ô tô bắt đầu đưa trở lại phím bấm vật lý trên các thiết kế xe mới.

touch_2.jpeg
Thiết kế nội thất tối giản không nút bấm tuy bắt mắt nhưng dần thể hiện nhiều bất cập đối với việc vận hành một chiếc ô tô.

Gần đây nhất, hình ảnh trước thềm ra mắt cho thấy chiếc xe điện Volkswagen ID được trang bị trở lại các nút bấm vật lý bên cạnh màn hình cảm ứng trung tâm. Theo trưởng bộ phận thiết kế nội thất của hãng xe Đức Darius Watola, đây là cách tiếp cận dựa trên phản hồi từ khách hàng và sẽ xuất hiện trên mọi mẫu xe Volkswagen trong tương lai.

Trước đó, hàng loạt mẫu xe đã thương mại hóa của Volkswagen cũng từ bỏ thiết kế chỉ sử dụng phím cảm ứng hay màn hình cảm ứng. Khi ra mắt chiếc Tiguan thế hệ mới hồi tháng 6-2023, Giám đốc điều hành Thomas Schafer từng cho biết họ nhận rất nhiều phàn nàn của người dùng về phím cảm ứng, đặc biệt là trên Golf thế hệ Mk8 và chiếc xe điện ID.3.

Tương tự, Porsche cũng đã từ bỏ nhiều nút bấm cảm ứng để sử dụng lại nút bấm vật lý trên thế hệ Cayenne 2024 mới nhất. Các thế hệ mới nhất của Acura MDX (thuộc Honda) và Mazda CX-50 trình làng trong năm 2023 cũng không sử dụng thuần tuý màn hình cảm ứng hay các nút bấm cảm ứng.

Trong khi đó, toàn bộ xe Toyota hay Lexus tới nay vẫn trung thành với nút bấm truyền thống. Hyundai cũng ra cam kết về việc sẽ duy trì nút bấm và mặt số trên các dòng sản phẩm.

cayenne_.jpeg
Porsche Cayenne 2024 đưa nút bấm vật lý trở lại khoang nội thất.

Việc màn hình và các nút bấm cảm ứng bị quay lưng sau hơn một thập kỷ lan rộng như một phát minh mang tính thời thượng trên bảng điều khiển ô tô có nhiều lý do, mà trước hết chính là sự an toàn.

Các cơ quan an toàn giao thông trên thế giới từ lâu vẫn thường xuyên chỉ trích các hệ thống điều khiển ô tô lạm dụng cơ chế cảm ứng, coi đây là một mối đe dọa với an toàn đường bộ.

"Điều trớ trêu là mọi người về cơ bản đều chấp nhận rằng thật nguy hiểm khi sử dụng điện thoại khi lái xe, nhưng không ai phàn nàn về việc sử dụng iPad khi lái xe. Ngày nay, khi bạn mua một chiếc ô tô, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được một chiếc iPad trên táp lô” – biên tập viên của kênh The Smoking Tire, ông Matt Farah, bình luận.

Trước đây, người cầm lái sử dụng các nút và núm để thay đổi radio hoặc điều chỉnh điều hòa không khí mà không cần nhìn xuống từ vô lăng. Kiểu dáng và vị trí nút giúp họ dễ dàng nhận biết chức năng mà không cần rời mắt khỏi con đường phía trước. Điều này hoàn toàn khác biệt với màn hình hay nút bấm cảm ứng. Thậm chí, với màn hình cảm ứng, việc chọn qua các cấp độ trình đơn khác nhau để tới được đích có thể đặc biệt nguy hiểm.

10-touchscreen(1).jpg
Thao tác màn hình cảm ứng gây mất tập trung lái xe.

Chưa kể, nếu màn hình gặp trục trặc, nhiều tính năng quan trọng của xe sẽ bị vô hiệu hoá. Bugatti - thậm chí chưa từng tích hợp nút bấm cảm ứng - cho rằng những cách tân công nghệ dạng này chỉ làm giảm tính sang trọng của những chiếc xe của họ.

Nghiên cứu của tổ chức an toàn giao thông Mỹ AAA Foundation kết luận rằng, việc thay đổi một thiết lập nào đó trên màn hình cảm ứng thông tin giải trí có thể khiến người lái mất tập trung tới 40 giây, đủ lâu để xe đang duy trì tốc độ 80km/giờ "trôi" thêm 800m. Một vấn đề là việc ẩn những chức năng thường xuyên cần điều chỉnh như điều hoà, chế độ lái… vào trong trình đơn “mềm” khiến người dùng gặp khó khăn trong việc sử dụng xe.

Một nghiên cứu tương tự của Vi Bilägare (Thụy Điển) dựa trên 11 chiếc xe đời mới, so sánh với chiếc Volvo C70 đời 2005 chỉ có nút bấm, đã xác nhận việc hoàn thành các tác vụ cơ bản như chỉnh nhiệt độ, chọn kênh radio… với màn hình mất nhiều thời gian hơn đáng kể so với các nút vật lý, nhất là khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Trong thử nghiệm này, chiếc BMW iX3 đã “ghi điểm” khi vẫn trang bị màn hình cảm ứng, nhưng tách rời các cơ chế điều khiển vận hành, tập trung quanh núm xoay iDrive rất thuận tiện cho việc sử dụng khi đang lái xe.

Để giải quyết những rủi ro nói trên, thực tế Cơ quan an toàn đường cao tốc Mỹ (NHTSA) đã đưa ra khung hướng dẫn vào năm 2013, trong đó khuyến nghị người lái xe chỉ nên rời mắt dưới 2 giây để hoàn thành tác vụ nào trên bảng điều khiển táp lô, và hoàn tất thao tác trong tối đa 12 giây. Đáng tiếc, khuyến cáo này không đi kèm khung pháp lý thực thi, không được các nhà sản xuất tuân thủ, và dần chìm vào quên lãng.

Trong một bài bình luận trên New York Times, tác giả Jay Caspian Kang còn mô tả màn hình và nút bấm cảm ứng là “tính năng gây mất an toàn hơn, không cải thiện trải nghiệm lái xe theo bất kỳ cách có ý nghĩa nào, và chỉ giúp nhà sản xuất không những tiết kiệm tiền mà thậm chí có thể bán được cho khách hàng như một tuỳ chọn nâng cấp”.

Những câu chuyện tương tự cũng đăng trên các tờ báo như Los Angeles Times và các trang web công nghệ như Tom's Guide, trong đó cho rằng việc sử dụng màn hình cảm ứng trên xe là cách ít tốn kém nhất để tạo ra không gian nội thất mang màu sắc hiện đại và đáp ứng thị hiếu tối giản. Ngày nay, các nhà sản xuất xe có thể dễ dàng tìm nguồn cung màn hình ô tô cỡ lớn với giá chỉ khoảng 50 USD/chiếc, rẻ hơn nhiều việc phải dày công thiết kế và lắp ráp nút bấm vật lý.

nissan_1.jpg
Người dùng thường xuyên phản ánh các nút bấm cảm ứng cạnh nhau khiến thao tác trở nên khó khăn.

Cuộc khảo sát người tiêu dùng gần đây của J.D. Power còn kết luận, hệ thống thông tin giải trí góp phần làm giảm tính tin cậy trên xe đời mới. Nhiều dải sản phẩm của Mercedes-Benz hay Tesla khi chuyển sang sử dụng màn hình cảm ứng và nút bấm cảm ứng thường xuyên gặp trục trặc ở những bộ phận này.

Với nhiều lý do và sự bất cập, không khó để hiểu tại sao giới chuyên môn và các nhà sản xuất xe đang có xu hướng rời xa màn hình cảm ứng. “Tôi nghĩ mọi người cảm thấy mệt mỏi với những chiếc màn hình đen xì cỡ lớn” - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách thiết kế của Nissan Alfonso Albaisa bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng phím, màn hình cảm ứng trên ô tô đã thoái trào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.