Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam nằm trong ngưỡng an toàn

Thanh Hiền| 19/06/2021 16:49

(HNMO) - Theo Tổng cục Thống kê, hệ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam biến động không nhiều, giảm từ 0,431 xuống 0,373 và nằm trong ngưỡng an toàn, hiệu quả, phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng cao.

Chênh lệch giữa nhóm thu nhập thấp nhất và nhóm thu nhập cao nhất khu vực thành thị giảm còn 5,3 lần.

Tại khu vực thành thị, người dân bình đẳng và dễ dàng hơn trong tiếp cận các cơ hội phát triển về trình độ học vấn, kỹ năng làm việc thông qua giáo dục, nên bất bình đẳng về thu nhập luôn thấp hơn khu vực nông thôn.

Tại các vùng miền, do có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất, kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí, lợi thế so sánh…, nên sự chênh lệch về thu nhập, cũng như bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư tại các vùng miền khác nhau rõ rệt.

Tuy nhiên, hệ số GINI ở tất cả vùng kinh tế có xu hướng giảm dần, khoảng cách bất bình đẳng ngày càng được thu hẹp. Hai vùng kinh tế lớn của cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển cao so với các khu vực còn lại, nên hệ số GINI có tốc độ giảm mạnh và thấp so với các khu vực khác.

Mức độ bất bình đẳng thu nhập còn được thể hiện qua chênh lệch giữa nhóm có thu nhập thấp nhất và nhóm có thu nhập cao nhất. Thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% nhóm người có thu nhập cao nhất đều tăng trong giai đoạn 2016-2020, nhưng khoảng cách thu nhập giữa 2 nhóm này ngày càng lớn, cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng.

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của nhóm thu nhập thấp nhất là 791.000 đồng/người/tháng và tăng bình quân 5,7% trong giai đoạn 2016-2019; nhóm thu nhập cao nhất là 7,8 triệu đồng và tăng bình quân là 6,8%. Tốc độ tăng về thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm hơn nhóm thu nhập cao làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Năm 2016, thu nhập của nhóm thu nhập cao nhất gấp 9,8 lần nhóm có thu nhập thấp nhất; đến năm 2019, khoảng cách này gấp 10,2 lần.

Tuy nhiên, đến năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tới các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách nên nhóm thu nhập thấp có tốc độ tăng thu nhập 7,6%, nhanh hơn mức tăng 3,3% của nhóm thu nhập cao nhất. Điều đó đã kéo theo sự chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm này chỉ còn 8 lần.

Tại khu vực thành thị, sự phân hóa giàu nghèo giữa nhóm thu nhập thấp nhất và thu nhập cao nhất có xu hướng giảm từ 7,6 lần năm 2016 xuống 7,2 lần năm 2019 và chỉ còn 5,3 lần năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 làm thu nhập của nhóm thu nhập cao giảm trong khi nhóm có thu nhập thấp có xu hướng tăng.

Tại khu vực nông thôn, chênh lệch về thu nhập giữa 2 nhóm thấp nhất và cao nhất tăng từ 8,4 lần năm 2016 lên 9,6 lần năm 2019, và giảm còn 8 lần trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam nằm trong ngưỡng an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.