(HNM) - Ta thường lưu ý đến những gì có thể cộng trừ nhân chia mà ra con số cụ thể. Như dự án A gây thất thoát X tỷ đồng; ông B, bà C lợi dụng chức vụ và quyền hạn làm thất thoát của Nhà nước từng này tiền… Sau mỗi vụ việc sai trái được phát hiện là án phạt cho người vi phạm, như thế cũng là điều tốt cho xã hội, rõ tính răn đe.
Nhưng có nhiều điều không hay chưa được chú ý đúng mực, hoặc giả là chưa được đánh giá đúng về mức độ thiệt hại từ nó. Nói rõ hơn, có những thiệt hại "vô hình", không ra con số cụ thể dù xét kỹ thì thiệt hại có thể còn lớn hơn một số chuyện lớn đã được phát giác, đơn giản là bởi chúng diễn ra trong một thời gian dài, liên tục, là lối nghĩ, hành động, tiêu chuẩn mang tính phổ biến.
Có thể nêu ra rất nhiều ví dụ về điều được đề cập nói trên.
Lâu nay, khi mua - bán căn hộ chung cư hoặc đánh giá về chúng, cái được quan tâm là giá cả cao hay thấp, vị trí chung cư có đắc địa, phí dịch vụ hằng tháng là bao nhiêu, chất lượng dịch vụ thế nào… Ít người nghĩ việc phải có điều khoản buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng chung cư theo chuẩn phù hợp với thực tế. Như tiêu chuẩn hạn chế tiếng ồn; thiết kế phù hợp, bảo đảm người nhận nhà không phải đục đẽo, chỉnh sửa, xây mới, bổ sung hạng mục thành phần… Trong thực tế, người ta nhận nhà rồi thường phải thuê thợ chỉnh sửa căn hộ, bổ sung - thay thế nội thất vì những thứ được nhà đầu tư trang bị cho thấy rõ sự không phù hợp. Phá tường ngăn, chuyển vị trí cửa nhà vệ sinh, thay cửa đi, thay thiết bị vệ sinh vì quá lạc hậu… Sự không hoàn thiện từ phía cung cấp căn hộ đã dẫn đến bao phí tổn không đáng có, bao vật liệu mới bị loại bỏ mà không thể dùng lại. Đó không phải là một loại lãng phí vô hình hay sao?
Cách nay ít ngày, một số đơn vị cung cấp bản quyền truyền hình Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh bàn tính mua gói bản quyền "hàng tồn". Nếu bỏ ra hàng triệu đô la Mỹ mua quyền phát sóng trực tiếp những trận đấu mà không phải chuyên gia cũng biết là chẳng mấy ai xem, liệu có là lãng phí?
Một khu chung cư thường chỉ kết nối được với một loại dịch vụ truyền hình trả tiền, nhiều khi chỉ có thể ký hợp đồng với một nhà cung cấp dịch vụ internet trong khi nhu cầu của người sử dụng có thể lớn hơn. Nếu có quy định nhà đầu tư hạ tầng phải bảo đảm tích hợp nhiều loại hình dịch vụ trên một đường dẫn, thay vì chỉ dành cho A hoặc B, mức tiêu dùng có thể lớn hơn nhiều. Tốn tiền cho hạ tầng mà không khai thác đầy đủ giá trị sử dụng từ chúng, đó có phải lãng phí vô hình hay không?
Mấy ngày qua, xuất hiện tin tức về việc xử lý người buôn bán, sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn, không rõ nguồn gốc. Quy định ấy là đúng, vì sự minh bạch trong kinh doanh, vì sự an toàn của người sử dụng. Điều làm người ta băn khoăn là tại sao lại phải "giật đùng đùng" vì một việc nhẽ ra được thực hiện nghiêm túc từ lâu rồi. Không xử lý triệt để nạn sản xuất, kinh doanh, sử dụng hàng giả, hàng nhái, để đến khi bao người bỏ tiền mua mũ bảo hiểm rởm mới làm quyết liệt là sao? Mũ rởm có thể bỏ đi nhưng tiền mua mũ rởm thì không lấy lại được, phép nước kỷ cương bị buông lỏng, đó có phải là một dạng lãng phí hay không?
Còn có thể kể ra nhiều loại lãng phí vô hình khác, cả lãng phí thời gian, tiền của và hệ lụy từ đó…
Những dạng lãng phí nói trên khó có thể quy rõ mức độ thiệt hại cụ thể, không thể nói là nhỏ bé. Tuy thế, điều đáng ngại không nằm ở chỗ con số thiệt hại là bao nhiêu, mà ở chỗ không có đủ cơ sở để tin là những thiệt hại kiểu đó đã được lưu ý đúng mức, để từ đó có giải pháp và thái độ ứng xử phù hợp.
Lãng phí vô hình, đó là vấn nạn cần được nhà quản lý dành sự quan tâm tương xứng với mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.