Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xòe Thái ở Tây Bắc: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Lưu Thảo| 24/05/2010 06:45

(HNM) - Xòe là điệu múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên; đồng thời thể hiện ước mơ về một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc của hàng triệu đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc.

(HNM) - Xòe... xòe... Cây lúa thành bông.
Xòe... xòe... Cây ngô thành bắp.
Xòe... xòe... Trai gái thành đôi.

Xòe là điệu múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên; đồng thời thể hiện ước mơ về một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc của hàng triệu đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc. Đáng tiếc là những điệu múa xòe đặc trưng ngày càng bị "rơi rụng" mặc dù đã được quan tâm gìn giữ, phát huy.

Điệu múa "Nhôm khăn" thể hiện niềm vui được mùa lúa của đồng bào dân tộc Thái ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).


Xòe Thái đang mai một
Bất cứ ai khi đến với Tây Bắc đều ngẩn ngơ trước những điệu xòe của các cô gái Thái hòa cùng tiếng đàn tính tẩu réo rắt, tiếng chiêng, tiếng trống nhịp nhàng.

Ông Nguyễn Văn Diện, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Lai Châu cho biết: Múa xòe còn có tên khác là "Xóe khăm khen" (múa cầm tay), là điệu múa cổ xưa của người Thái, tượng trưng cho tình yêu cuộc sống, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa. Xưa người Thái có 32 điệu xòe, nay chỉ còn lưu giữ được một số điệu phổ biến... Nổi tiếng nhất của xòe Thái là hội xòe Phong Thổ (Lai Châu), xòe Mường Lò (Yên Bái). Hội xòe thường diễn ra ở các bãi đất trống hoặc nhà văn hóa thôn, bản vào những ngày vui như lễ hội, tết Xíp xí, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, cúng giỗ Xên bản, Xên mường, sinh hoạt Hạn khuống... Chị Lò Thị Thín, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết thêm, người Thái ở Phong Thổ còn giữ được 6 điệu xòe cổ, đó là điệu "Khắm khen", tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt; điệu "khấm khăn mời lẩu" tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách, điệu "phá xí" tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất đoàn kết trao đổi; điệu "đổn hôn" tức tiến, lùi và nhào ra phía trước ý nói dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau, điệu "nhôm khăn" tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin…

Hào hứng bao nhiêu khi nói về nét đặc sắc của các điệu xòe, chị Lò Thị Thín lại tỏ ra lo lắng bấy nhiêu khi nói đến phương án bảo tồn và phát huy di sản xòe Thái. Bởi ngay ở cái nôi xòe Thái Mường So, đội múa xòe phải có 16 người mới đủ mà chỉ thu hút được 13 người tham gia. Đáng buồn hơn, trẻ em hầu như không biết viết và hát tiếng Thái, không hào hứng tham gia vào đội văn nghệ thôn bản; đàn ông thì mải đi làm nương rẫy, kiếm kế sinh nhai mà bỏ quên các vòng xòe. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra ở Mường Lò (Yên Bái).

Cứu điệu xòe như cứu hỏa
Theo ông Lò Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lai Châu, nguyên nhân của thực trạng trên một mặt là do người dân bản địa mải đi kiếm tiền lo lắng cho cuộc sống thường nhật, mặt khác do chưa được quan tâm đúng mức. Ông Minh bộc bạch: Để gìn giữ vốn di sản văn hóa quý này, Trung tâm Văn hóa tỉnh Lai Châu đã đưa nhiều đội múa xòe thôn bản tham gia các hội diễn, hội thi, qua đó giúp người dân tự nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời cử cán bộ trung tâm xuống các bản "ba cùng" với dân khôi phục các điệu múa xòe cổ. Tuy nhiên, bản làng thì xa, cán bộ trung tâm thì mỏng, trong khi để khôi phục được một điệu xòe phải mất cả tháng trời, do đó việc cử cán bộ xuống "ba cùng" với dân như cách mà Lai Châu đang làm chỉ là cách ứng phó tạm thời. Từ đó, ông Minh đề xuất các trường nghệ thuật Tây Bắc cần có chuyên ngành đào tạo cán bộ làm công tác phong trào văn hóa cơ sở.

Biết là không thể cứ trông chờ vào sự quan tâm của nhà nước, ông Mào Văn Phên - người nghệ sĩ tài năng ở bản Vàng Pheo năm nay đã ngoại bát tuần vẫn không quản ngại khó khăn đi khắp mọi nẻo đường Tây Bắc nghiên cứu văn hóa Thái... Những điệu múa xòe cổ được khôi phục ở Mường So có phần công không nhỏ của ông mà thành.

Ngoài ông Phên, ở Mường So còn có vua đàn tính tẩu Nông Văn Nhay, cả đời sống với triết lý thật giản đơn: "Cứu tính tẩu, cứu điệu xòe Thái như cứu hỏa. Thấy ở đâu có lửa to thì cứu trước". Vì triết lý này mà hơn 40 năm qua, ông đi khắp bản làng Tây Bắc dạy người dân Thái hát, múa xòe chẳng cần lệnh ai, chẳng cần giấy tờ gì ngoài... cây tính tẩu và tình yêu với điệu xòe quê hương.

Tương tự, ông Lò Văn Biến, hiện đang sinh sống ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ bỏ công sưu tầm và phổ biến 6 điệu xòe Thái cổ cho người dân ở Mường Lò. Hơn thế, ông còn mở lớp dạy tiếng Thái cổ không chỉ cho người Thái, mà gồm cả các dân tộc khác nữa.

Được biết, ngành văn hóa đang có ý tưởng lập hồ sơ không gian văn hóa xòe Thái ở Tây Bắc đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Cho dù ý tưởng trên có được triển khai hay không thì bản sắc văn hóa của xòe Thái đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định. Thực tế bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ... đã chứng minh không có ai gìn giữ, phát huy giá trị của di sản tốt hơn chính cộng đồng có di sản, vì thế để điệu múa xòe sống mãi cần lắm những người yêu nghệ thuật truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xòe Thái ở Tây Bắc: Bao giờ cho đến ngày xưa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.